Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng là đòn bẩy để đưa nông thủy sản chế biến của Việt Nam vào thị trường EU với thuế suất về 0% thay vì mức cao như trước đây do EU có chính sách hạn chế nhập khẩu sản phẩm chế biến.
Tuy vậy, để nâng cao hàm lượng chế biến sâu cho nông sản vẫn là “bài toán” đau đầu của cả các nhà quản lý ngành và doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Tỷ trọng chế biến thấp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng phải thốt lên rằng xuất khẩu (XK) nông sản Việt lượng quá nhiều, tiền quá ít, “kiểu bán tấn thì rõ nhiều mà két thì rõ bé”. Một con cá ngừ đại dương Việt Nam có trọng lượng gần 300kg chỉ bán được với giá 37 triệu đồng, trong khi một con cá ngừ đại dương của Nhật Bản 270kg bán được 70 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Bích Thu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết cả nước có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với XK và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới, nhiều cơ sở chế biến có tuổi đời trên 15 năm. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như rau quả, thịt.
Điều đó dẫn tới tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%), sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30%.
Ông Vũ Huy Phúc, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT, cho hay khâu chế biến chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra. Số lượng nhà máy chế biến hiện đại ít, chủ yếu chế biến thủ công. Chưa có nhiều mô hình gắn kết giữa chế biến và vùng nguyên liệu.
Các sản phẩm chế biến chưa đa dạng (chủ yếu là các sản phẩm đơn giản) như gạo chế biến thành bún, miến; cà phê là cà phê bột, hoà tan; rau quả chủ yếu sấy khô, làm nước ép; còn các sản phẩm chế biến sâu như mỹ phẩm, dược phẩm rất hạn chế. So với tổng sản lượng sản phẩm, cà phê chế biến chỉ chiếm 10%, điều 5%, chè 5%, cá tra 10%, tôm khoảng 40%...
Theo ông Phúc, đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ dừng ở mức 7%/năm (bằng 1/2- 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Trình độ công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản ở mức độ trung bình và lạc hậu chiếm trên 90%.
Hơn nữa, việc sử dụng các phế phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Cụ thể trong sản xuất lúa gạo, với sản lượng trên 40 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và 4 triệu tấn cám có thể tạo nên những sản phẩm giá trị gia tăng ngoài gạo như dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, phân bón, giá thể nấm. Trong sản xuất đường, mỗi năm dư thừa khoảng 1 triệu tấn bã mía có thể dùng làm nguyên liệu phát điện và 600.000 tấn mật rỉ có thể sản xuất nhiên liệu sinh học; chế biến điều mỗi năm có khoảng 400.000 tấn vỏ thô có thể sử dụng chế biến ra dầu vỏ điều...
Khâu chế biến chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra |
Giá trị gia tăng thuộc về ai?
Theo Ts. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quy mô của ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới rất lớn, lên tới gần 8.000 tỷ USD. Đây là cơ hội cho Việt Nam, nhưng nếu hàng nông thủy sản Việt chỉ dừng ở mức thô thì sẽ không thu được lợi ích gì, đổi lại là sẽ rất thiệt thòi.
“Thời gian qua, ngành nông nghiệp chắc chắn đã nhìn thấy rõ những bất cập trên nhưng tại sao mấy chục năm rồi, tình hình vẫn chưa được cải thiện, do chính sách hay do thực thi?”, bà Tuệ Anh đặt vấn đề.
Theo bà Lê Thị Bích Thu, nguyên nhân là do cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ) chưa đủ hấp dẫn DN đầu tư vào chế biến nông sản. Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.
Ông Vũ Huy Phúc cũng cho rằng việc tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu. Với các ngành cao su, mía đường, điều, các nhà máy đã có quy hoạch vùng nguyên liệu riêng nhưng mức độ đầu tư bao tiêu có hạn nên luôn xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu, tạo nên tập quán xấu cho nông dân trong sản xuất và thu hoạch nguyên liệu.
Các nhà máy chế biến lúa gạo, cà phê, điều, hải sản chủ yếu mua gom nguyên liệu, hầu hết chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu không ổn định, phát triển thiếu bền vững.
Ông Phúc kiến nghị cần tổ chức sản xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến bằng việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện cho DN xây dựng dự án đầu tư. Đồng thời Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Bà Trần Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại thuộc Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP.PRO), cho biết đa phần sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam ở dạng sơ chế nhưng lý do không phải là năng lực của DN yếu kém. Qua các hội chợ Viet Fish, DN Việt Nam đã đưa ra khá nhiều sản phẩm chế biến sâu đa dạng. Vấn đề lớn nhất cản đường chế biến nông sản của Việt Nam là thị trường.
Hiện, các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản chiếm tới 80% sản lượng nông sản XK của Việt Nam song họ chỉ muốn nhập sản phẩm sơ chế, sau đó đưa về nước để chế biến sâu, lấy hàm lượng giá trị gia tăng. Điều đó dẫn tới DN Việt có đẩy mạnh chế biến sâu cũng không XK được vì không nhiều khách hàng muốn mua.
Trước thực tế trên, bà Yến đề xuất Nhà nước cần có chính sách xây dựng các trung tâm phân phối nông thủy sản Việt Nam ở các thị trường này, qua đó giúp sản phẩm chế biến của Việt Nam có thể vào trực tiếp chuỗi bán lẻ của EU, Mỹ hay Nhật.
Lê Thúy
Ông Vũ Huy Phúc - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT Cần phải hỗ trợ các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển các công ty, tập đoàn tư nhân lớn về chế biến - kinh doanh các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, mía đường, rau quả, hạt điều, cà phê, đồ gỗ... Đó phải là những chính sách mang tính đột phá, thông thoáng, sáng tạo, tạo lập môi trường khởi nghiệp trong công nghiệp chế biến, từ đó mới hình thành được các DN Việt có thương hiệu nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế. Bà Trần Hoàng Yến - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO Muốn tiêu thụ sản phẩm chế biến, Việt Nam cần có chiến lược thâm nhập trực tiếp vào chuỗi bán lẻ ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, một mình VASEP hay một DN không thể làm được điều này, mà Nhà nước cần có cơ chế, chiến lược hỗ trợ cho DN Việt Nam. Bà Lê Thị Bích Thu - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa có bước phát triển đột phá, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Chất lượng công tác tham mưu về phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa cao, chưa có tầm chiến lược, chưa đề xuất được chính sách mang tính đột phá cho lĩnh vực này. |