Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng xuất khẩu (XK) nhóm hàng này của cả nước. Tuy nhiên, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch XK nông thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%. Hầu hết các mặt hàng XK chủ lực đều giảm, cụ thể thủy sản giảm 1,3%, rau quả giảm 1,7%, gạo giảm mạnh 69,4% và sắn giảm 14,7%.
Chính sách siết chặt, sản xuất vẫn cách cũ
Tại Hội nghị phát triển XK nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc cuối tuần qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết XK nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng chậm trong thời gian qua và gần đây có xu hướng sụt giảm. Bên cạnh nguyên nhân đến từ sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của thị trường này, còn có nguyên nhân từ những động thái mới trong chính sách và thực thi chính sách của Trung Quốc.
Cụ thể, phía Trung Quốc đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) về Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu (NK) theo ngành dọc. Phía Trung Quốc tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới trước đây do địa phương biên giới thực thi “linh hoạt” đã và đang được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, nền nếp trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành trước đây với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động NK nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo ông Hải, Bộ Công Thương đã khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sự thay đổi trong chính sách và thực thi chính sách của Trung Quốc từ đầu năm 2018 đến nay, tuy nhiên một số địa phương và các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa nhận thức đầy đủ, vẫn giữ cách thức “sản xuất, làm ăn manh mún”, vẫn duy trì và tận dụng phương thức trao đổi cư dân biên giới một cách chộp giật… dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2012, Trung Quốc trở thành thị trường NK quan trọng của thủy sản Việt Nam có mức tăng trưởng NK ổn định hơn so với các thị trường khác. Trung Quốc giảm sản lượng thủy sản là cơ hội cho Việt Nam tăng XK sang Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, XK qua đường bộ vẫn đang phổ biến với sự tham gia đa dạng của các công ty vừa và nhỏ và các cá nhân.
Từ 1/5/2018, sau khi Hải quan Trung Quốc phụ trách việc kiểm soát ATTP đối với thủy hải sản XNK, họ đã có một số động thái siết chặt thương mại nông thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thủy sản XK qua đường chính ngạch. Trong khi đó, nhiều DN nhỏ vốn quen XK qua tiểu ngạch mà lại thiếu thông tin về những quy định XK qua đường chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm XK tiểu ngạch.
Thời gian qua, các DN Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador, do các nước này có cỡ tôm lớn, giá rẻ và lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất – tạo bất lợi cho DN thủy sản Việt Nam khi XK sang Trung Quốc, giảm nhu cầu đáng kể đối với Việt Nam…
Gạo cũng là mặt hàng có kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), cho biết nguyên nhân lớn nhất là do Trung Quốc tăng cường siết chặt về kiểm dịch và tăng cường yêu cầu ATTP, đồng thời cũng đang đẩy mạnh sản xuất lúa gạo.
![]() |
Kim ngạch XK nông thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2018 |
Đề xuất xóa bỏ thương mại tiểu ngạch
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng lâu nay DN, địa phương vẫn nhận thức Trung Quốc là thị trường dễ tính nên XK nông sản chạy theo số lượng. Nhiều nông sản như gạo, thanh long XK với sản lượng quá lớn nhưng chất lượng cấp thấp, không có bao bì, nhãn mác, đệm lót bằng rơm rạ…
Ví dụ, người Trung Quốc ưa chuộng loại dưa hấu Hắc Mỹ Nhân – trái nhỏ, vừa phải, nhưng các địa phương của Việt Nam lại trồng loại dưa hấu quả to, tròn. Nhiều địa phương, DN coi Trung Quốc là “chợ biên giới”, cứ có hàng là mang qua biên giới, sau khi không bán được thì mang về.
Bà Oanh kiến nghị cần xóa bỏ thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc, cũng như tái định vị, tổ chức lại sản xuất để không chạy theo số lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường Trung Quốc.
Theo VASEP, danh sách sản phẩm được phép XK sang Trung Quốc còn hạn chế, cơ quan quản lý hai nước cần làm việc với nhau để xin bổ sung thêm sản phẩm vào danh mục chính ngạch hiện nay, vì theo danh sách hầu như chỉ có các loại thủy sản đông lạnh, tươi, làm lạnh được phép XK sang Trung Quốc.
Nhà nước cần xây dựng chiến lược XK thủy sản sang Trung Quốc với từng ngành hàng chủ lực để đảm bảo tính ổn định, bền vững, tránh lệ thuộc vào thị trường. Đối với mặt hàng cá tra, nên kiểm soát để duy trì XK sang Trung Quốc ở mức dưới 30% tổng giá trị XK cá tra đi các thị trường.
Bên cạnh đó, DN cần nắm rõ quy định NK vào thị trường Trung Quốc qua các kênh thông tin và quan trọng nhất là cải thiện điều kiện cở sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng ATTP sản phẩm XK. DN cũng cần cập nhật và tận dụng hình thức kinh doanh thương mại điện tử để chào hàng tại Trung Quốc vì thương mại điện tử đang phát triển mạnh, người dân nước này thích mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, DN phải đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn nguyên liệu, xuất xứ hàng hóa để đáp ứng đơn hàng.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi XK sang thị trường Trung Quốc, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng XK chưa thực sự bền vững là do khó kiểm soát vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các DN Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả XK.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần đánh giá định vị lại cụ thể mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, từ đó đi đến giải pháp cụ thể, để không chỉ tăng trưởng XK bền vững, mà thị trường Trung Quốc phải là thị trường ổn định cho nông sản, giải quyết câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, phải nhận diện rõ khó khăn từ thị trường Trung Quốc. Đây là nhiệm vụ không phải một cơ quan có thể làm được, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành với nhau, đồng thời cần sự chung tay hỗ trợ của các hiệp hội, DN và người dân.
“Chính phủ, DN, người dân – 3 trục này phải phối hợp thật tốt mới khai thác được lợi thế, vượt qua thách thức từ thị trường Trung Quốc. Chúng ta cứ lấy lý do Trung Quốc thay đổi phương thức thương mại nên XK sụt giảm thì không chấp nhận được”, ông Cường nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Hoạt động XK nông sản của chúng ta cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các DN trong hoạt động sản xuất, chế biến XK, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Những khó khăn từ thị trường Trung Quốc đã tồn tại từ nhiều năm nay. Hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đều đã nhận diện rõ khó khăn và có giải pháp, tuy nhiên lúc này không thể chậm trễ, bởi không chỉ thị trường Trung Quốc mà tất cả các thị trường thế giới đều đưa ra hàng rào kỹ thuật, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, ATTP, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu. Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc Các DN không thể kiểm soát từ A đến Z mà cần có sự vào cuộc các bộ, ngành, địa phương để kiểm soát dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu để hạt gạo Việt Nam an toàn. Khi Trung Quốc đang nâng cao kiểm soát về mặt chất lượng, DN buộc phải thay đổi. Khi thay đổi, DN cũng sẽ có cơ hội với các thị trường khác. |