Mới đây, dưới sự tổ chức của Bộ Công Thương, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản là Aeon (với 16.498 trung tâm và cửa hàng tại Nhật và các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam…) cùng một số tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài đã đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để gặp gỡ giới doanh nghiệp (DN) nhằm kết nối mua hàng nông sản, thực phẩm vào chuỗi phân phối của họ.
Chưa nắm bắt thị trường
Với hy vọng có thể xuất khẩu (XK) trực tiếp vào kênh bán lẻ ở Nhật và các siêu thị ngoại, sự kiện lần này đã thu hút hơn 300 DN Việt trong các ngành hàng thực phẩm như gia vị, trái cây, đặc sản vùng miền, cà phê, chè…
Như những lần kết nối trước đó, chuyên gia của Aeon tiếp tục giới thiệu định hướng mua hàng của Tập đoàn, các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối toàn cầu của họ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số DN ở ĐBSCL cho biết tiềm năng XK vào thị trường Nhật rất lớn khi có không ít đối tác nước này tìm đến tận cơ sở sản xuất để tìm hiểu về một số mặt hàng. Bên cạnh đó, phía DN cũng rất muốn được XK trực tiếp vào kênh bán lẻ ở Nhật nhưng họ vẫn chưa có điều kiện để nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng tiêu dùng của thị trường Nhật.
Trong vấn đề nắm bắt thị trường, đại diện cho nhà thu mua Aeon, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu, lưu ý khi làm việc với các nhà cung cấp Việt thì có một “nút thắt” lớn, đó là việc đầu tư cho trang thiết bị. Việc này giống như một “ván cờ”, một khi nhà cung cấp đầu tư thiết bị mới có thể nhận được đơn hàng.
“Chúng tôi cũng hiểu được rủi ro đó về phía DN. Vì vậy, chúng tôi đã cố hết sức để có thể đưa ra các tư vấn chính xác nhất, thích hợp nhất nhằm giúp cho DN Việt đầu tư đúng nhất để nhận được đơn đặt hàng”, ông Yuichiro nói.
Mặt khác, theo vị lãnh đạo của Aeon, khi tiếp xúc với các nhà cung cấp Việt thì thấy họ còn chưa có nhiều thông tin cần thiết, chẳng hạn như mặt hàng cụ thể của mình ở Nhật Bản được bán với mức độ thế nào, hoặc những mặt hàng tương tự đang được bán ra sao, rồi về mùi vị, bao bì, giá cả…
Điều này rất cần các nhà cung cấp Việt nếu có điều kiện nên sang Nhật để “mục sở thị” các cửa hàng bán lẻ, nhất là tiếp xúc, điều tra, nắm bắt, nhận biết thị trường Nhật như thế nào.
“Khi sang Nhật, quý vị phải dùng thử, ăn thử và biết thử đối với sản phẩm như vậy, giá như vậy thì mới được chấp nhận ở thị trường Nhật”, ông Yuichiro có lời khuyên đến các DN Việt.
Nông sản Việt cần vượt “nút thắt” để tăng kim ngạch XK vào thị trường Nhật |
Tự vượt “nút thắt”
Đối với các DN vừa và nhỏ đang muốn XK trực tiếp vào siêu thị Nhật, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Quan trọng hơn nữa, DN phải có kinh nghiệm XK hàng hóa.
Bởi lẽ, nếu như lần đầu tiên DN mới làm XK và chưa có kinh nghiệm gì, hoặc là công ty không có chức năng để làm hàng XK thì chưa thể XK hàng hoá vào Nhật được.
Có thể nói, thị trường Nhật đang có sức hút lớn đối với các DN Việt khi họ kỳ vọng những cơ hội mở ra từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Nhật Bản là một thành viên quan trọng.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề XK trực tiếp vào kênh bán lẻ Nhật đang được Bộ Công Thương xúc tiến đến các DN, nếu nhìn lại tình hình XK vào thị trường chủ lực này từ đầu năm đến nay sẽ thấy có những mặt được và chưa được.
Đơn cử như hoạt động XK vào Nhật ở các lĩnh vực như thuỷ sản, giày dép, rau quả, gỗ, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hoá chất đều có mức tăng trưởng trên 10%. Đặc biệt như rau quả có mức tăng đến hơn 20% so cùng kỳ năm trước. Còn mặt hàng dệt may khi xuất sang thị trường này chỉ có mức tăng khiêm tốn 4,9%.
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản chủ lực khi XK vào thị trường Nhật lại đang có sự sụt giảm mạnh so cùng kỳ năm trước, nhất là hạt tiêu (giảm đến hơn 50%), cà phê (giảm 23,9%), hạt điều (giảm 14,4%).
Đối với việc XK mặt hàng nông sản vào Nhật, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng nhu cầu tiêu thụ ở thị trường này là rất lớn nhưng cơ cấu XK nông sản của Việt Nam hiện vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Một số liệu khảo sát cho thấy nhu cầu nhập khẩu rau của Nhật Bản vào khoảng 2,5 tỷ USD/ năm, thế nhưng hồi năm ngoái Việt Nam mới chỉ XK được khoảng 34 triệu USD. Hoặc trong 3,4 tỷ USD/năm nhu cầu nhập trái cây của Nhật thì Việt Nam mới chỉ XK được 36 triệu USD.
Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, mặt hàng rau quả Việt xuất sang Nhật đạt 70,8 triệu USD, tăng 25,9%. Đây có thể xem là mức tăng đáng khích lệ, nhưng nếu so với nhu cầu lớn tại Nhật thì mức tăng này vẫn còn khá khiêm tốn.
Để gia tăng hơn nữa kim ngạch XK rau quả nói riêng và nông sản Việt nói chung vào thị trường Nhật còn rất nhiều việc phải làm và tự thân các DN Việt muốn XK trực tiếp vào nước này cũng phải tự thay đổi chính mình để vượt các “nút thắt”.
Thế Vinh