Dù xuất khẩu (XK) đang gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 3/2020, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã kết nối được hơn 20 đơn hàng nông sản, thực phẩm như cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long… với ước khoảng 500 tấn hàng từ Việt Nam sang Singapore.
Vai trò lớn của Thương vụ
Riêng hồi tháng 2 vừa qua, theo thống kê của Cục Doanh nghiệp (DN) Singapore, giá trị XK của Việt Nam sang nước này đã tăng 49% so với tháng 1/2020 và tăng 102,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, trước nguy cơ Singapore bị đứt gãy nguồn cung, không đảm bảo được an ninh lương thực, phía Thương vụ cho biết đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam nhằm tranh thủ cơ hội, thúc đẩy XK của Việt Nam sang thị trường này.
Bên cạnh hoạt động tổ chức đoàn các nhà nhập khẩu rau củ quả Singapore đến Việt Nam kết nối tìm nguồn cung hồi tháng 2/2020, Thương vụ Việt Nam tại Singapore còn tích cực triển khai các hoạt động kết nối giao thương qua cổng thông tin điện tử của Thương vụ và các dịch vụ mạng xã hội.
Mặt khác, trên cơ sở nắm bắt xu hướng và thời cơ, Thương vụ đã đề xuất với Văn phòng đại diện hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cùng chung tay hỗ trợ các DN XK của Việt Nam.
Mặc dù hủy tất cả các chuyến bay phục vụ hành khách từ Việt Nam sang Singapore và ngược lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhưng Vietnam Airlines sẽ vẫn duy trì các chuyến bay chở hàng từ Singapore đến Hà Nội và Tp.HCM và ngược lại nhằm đảm bảo thông thương hàng hóa, vật tư giữa hai nước.
Đặc biệt, đối với các đơn hàng của các DN Việt Nam xuất sang Singapore, Vietnam Airlines ưu đãi mức giá vận chuyển thấp hơn mức giá của thị trường.
Không chỉ với Singapore, theo giới chuyên gia, những quốc gia phụ thuộc vào nguồn nông sản nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu đủ dự trữ để tồn tại qua đại dịch đang đẩy mạnh việc thu mua. Và “khoảng trống” từ việc một số nguồn cung ứng nông sản bị đứt gãy tại các quốc gia này chính là cơ hội cho nông lâm thuỷ sản Việt lấp trống.
Như nhận định mới đây từ tờ Wall Street Journal của Mỹ, đó là giá ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng mạnh trong thời gian vừa qua, khi nhu cầu tích trữ tăng, trong khi nguồn cung bị siết lại.
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều quốc gia gặp cú sốc về nguồn cung nông sản trở nên khó đối phó hơn. Trong khi đó, Việt Nam vốn có nhiều thế mạnh về nguồn cung ở một số mặt hàng nông lâm thuỷ sản hoàn toàn có thể tiếp cận với những thị trường đang gặp khó về nguồn cung.
XK trái cây cần 'bắt sóng' những thị trường đang đứt gãy nguồn cung |
Nhanh tay chớp cơ hội
Điều quan trọng là cần sự hỗ trợ chủ động từ Thương vụ ở nước sở tại như cách mà Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã và đang làm. Đó là sự kết nối kịp thời giữa các hiệp hội, nhà cung cấp nông sản Việt Nam với các nhà thu mua từ các quốc gia có nhu cầu, cùng sự hợp tác tích cực của lĩnh vực logistics.
Riêng các nhà cung ứng nông sản XK, việc nắm bắt kịp thời diễn biến thông tin thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới giữa mùa dịch này là cực kỳ quan trọng, nhất là thông tin từ những quốc gia đang đứt gãy nguồn cung nông sản và cần tìm những thị trường thay thế.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu thụ nông sản thực phẩm trên những thị trường XK chủ lực cũng là điều mà các DN cần lưu tâm nhằm nắm bắt cơ hội.
Chẳng hạn tại thị trường Mỹ, doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) được cho là đang tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.
Trong nửa đầu tháng 3 vừa qua, ở nước này, mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong số các sản phẩm thủy sản đóng hộp và đóng gói là cá cơm đóng hộp và cá mòi (tăng 35,6%); cá thu đóng hộp tăng 33,5%; cá hồi tăng 30,8 %; và cá ngừ tăng 32,7%.
Thiết nghĩ đó cũng là một kênh tham khảo cho các nhà XK thuỷ sản Việt. Thực ra, trong khó khăn chung của XK thuỷ sản hiện nay, bên cạnh những rủi ro thì vẫn có một số cơ hội.
Đơn cử như đồ thuỷ sản đóng hộp, đông lạnh, như chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), mặt hàng này sẽ có nhu cầu lớn nên rất cần sự chuẩn bị từ phía DN, nhất là sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi.
Hoặc như việc nhiều quốc gia không mua cá ngừ Trung Quốc từ tác động của dịch Covid-19 trong khi nước này là một trong 5 quốc gia bán cá ngừ lớn trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để XK cá ngừ Việt Nam gia tăng thị phần ở những thị trường có nhu cầu.
Cần nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực EU, Mỹ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động XK nông lâm thuỷ sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, để vượt khó đòi hỏi XK nông lâm thuỷ sản Việt vừa đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới và vừa “bắt sóng” ở những quốc gia đang đứt gãy nguồn cung để nhanh tay chớp cơ hội.
Thế Vinh