Không chỉ táo Mỹ, nho Úc, dưa Đài Loan, mận Nam Phi hay thịt bò Mỹ, Úc…, thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn khá chuộng sử dụng các loại rau củ nhập khẩu như nấm Nhật Bản, súp lơ Nhật Bản, bắp cải tí hon của Pháp… dù giá trị các sản phẩm này đắt hơn hàng Việt gấp nhiều lần.
Cạnh tranh gay gắt
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, dự báo sự gia tăng cạnh tranh giữa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với hàng nhập khẩu sẽ ngày càng gay gắt. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau những thành công trong xuất khẩu (XK), hiện nay, ngành thủy sản đã bắt đầu hướng đến thị trường nội địa. Theo đánh giá của các chuyên gia, với hơn 92 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch, mức tiêu thụ trong nước đến năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn, thị trường nội địa rất tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam.
Nắm bắt xu hướng đó, các DN trong nước đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất để đưa những sản phẩm thủy sản tươi ngon, tiện lợi được sản xuất theo tiêu chuẩn XK nghiêm ngặt của các thị trường khó tính đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Hữu Miên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Hạ Long, chia sẻ DN này hiện đang tiến hành đa dạng các sản phẩm, đa dạng các kênh phân phối để cung cấp vào thị trường, thông qua các nhà bán buôn tại các tỉnh trên cả nước, các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị lớn…
Tuy nhiên, ngoài phải cạnh tranh quyết liệt với các nhà sản xuất quy mô lớn trong nước, công ty còn phải cạnh tranh với các DN lớn từ nước ngoài đang đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Vì vậy, sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp mới có chỗ đứng trên thị trường.
Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay qua nghiên cứu thực tế ở nhiều địa phương cho thấy ngành nông nghiệp phải đối mặt với các thách thức bao gồm công nghệ sản xuất và chế biến trình độ trung bình chiếm tỷ trọng cao, nông sản tính cạnh tranh toàn cầu thấp.
So sánh đánh giá, trình độ ngành chăn nuôi của các nước trong khối CPTPP như Australia, Canada, Nhật Bản…, hoặc các nước khối EVFTA như Pháp, Hà Lan, Đức phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu các DN ngành chăn nuôi của Việt Nam không nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi thì kết cục xấu như thua lỗ, phá sản là việc khó tránh khỏi.
Báo cáo của tỉnh Bến Tre mới đây cũng chỉ rõ lo ngại khi thị trường tiêu thụ trong nước đang chào đón hàng hóa nhập khẩu chất lượng cao, có thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác FTA, là một thách thức đối với các nhà sản xuất trong nước.
Hàng hóa của Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng nội địa và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các khu vực thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản…
![]() |
Người tiêu dùng trong nước đòi hỏi sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng như xuất khẩu |
Người Việt cũng cần hàng tiêu chuẩn
Nói về khó khăn ở khâu phân phối, đại diện CTCP Tập đoàn Dabaco (sản xuất và phân phối ra thị trường các sản phẩm như xúc xích, dăm bông, đồ hộp, giò chả, trứng gà tươi), cho hay việc hợp tác, liên kết chuỗi giá trị trong đầu tư phát triển gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại như: đa phần nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…
Hiện tại, trong chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng của nông sản chủ yếu do khâu chế biến, bảo quản.
Việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất để thực hiện theo chuỗi giá trị là câu chuyện không hề dễ vì tốn kém rất nhiều kinh phí, thu lời ít, tính rủi ro cao nên các DN chưa mặn mà.
Đồng thời, việc kết nối giữa DN với người nông dân, kết nối giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà băng với nhà nông để phát triển chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả cao do thiếu cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, nguồn lực các chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Do vậy, Dabaco cho rằng cần đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng, gắn kết và kiểm soát chặt giữa khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ, qua đó đẩy mạnh kết nối giữa DN thu mua, phân phối, tiêu thụ trong nước.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, đại diện tỉnh Bắc Giang cho hay, để phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, hàng năm tỉnh này đều tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Tp.HCM, Lào Cai, Lạng Sơn, các tỉnh Nam bộ…
Các hoạt động này nhằm ổn định thị trường, giúp DN kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào siêu thị (Big C, Co.opmart), trung tâm thương mại, chợ đầu mối…
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các DN, nhà sản xuất gặp gỡ, trao đổi. Một số DN lớn đã lựa chọn được các đối tác thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái cây các loại, các sản phẩm chế biến từ nông sản.
Để thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn bằng các giải pháp như tiếp tục chỉ đạo xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN, được coi là hạt nhân quyết định thành công của các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Mặt khác, ông Phạm S cho rằng ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất.
Nếu chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 của Việt Nam triển khai chậm bao nhiêu, sự cạnh tranh nông sản Việt Nam mất lợi thế trước yêu cầu hội nhập quốc tế bấy nhiêu.
Vì vậy, cần từng bước đột phá phát triển, tạo cuộc cách mạng nông nghiệp Việt Nam theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại và đa chức năng.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần chỉ đạo sản xuất quyết liệt áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; sản xuất có chứng nhận chất lượng sản phẩm như: GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP, HCCP, ISO, Organic, GMP, UTZ, Rainforest… để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Điều này cho thấy nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là cần phải cân bằng giữa việc tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh. Riêng đối với thị trường trong nước, người Việt đang có nhu cầu rất lớn đối với sản phẩm chất lượng, có thương hiệu.
Lê Thúy
Ts. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/ năm, tốc độ đô thị hóa cao, tầng lớp trung lưu tăng lên…, thị trường Việt Nam cực kỳ rộng lớn và giàu tiềm năng, là lực hút đối với hàng ngoại. Ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp cần phải thực hiện nhiều giải pháp để làm chủ thị trường trong nước. Thực tế đã chứng minh quốc gia nào phát triển thịnh vượng và bền vững cũng đều lấy thị trường trong nước làm trọng tâm. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Mục tiêu của phát triển kinh tế là phục vụ người dân, vì vậy trước tiên phải chăm lo đời sống của người dân. XK suy cho cùng cũng là giải pháp lấy lợi nhuận phục vụ đời sống nhân dân. Do đó, trước hết phải phục vụ thị trường trong nước. Đây không chỉ là đích hướng đến mà còn là động lực rất lớn. Xu hướng của các nền kinh tế phát triển đều lấy nội nhu làm trọng, vì thế phải lấy thị trường nội địa làm nền tảng rồi mới mở ra các thị trường khác. Đây là động lực để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Ts. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Người tiêu dùng không thể chấp nhận nông nghiệp Việt Nam sản xuất khối lượng nông sản lớn mà chất lượng không cao, mức độ an toàn thực phẩm vượt ngưỡng cho phép. Chất lượng sản phẩm không chỉ là yếu tố cạnh tranh mà còn là yếu tố sống còn đối với sản phẩm ở thị trường trong nước. |