Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, số doanh nghiệp (DN) nông lâm thủy sản thành lập mới là 2.200 DN, tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 9.235 DN. Tuy vậy, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tổng số DN đang hoạt động của cả nước.
Vướng chính sách
Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết hiện chưa có luật điều chỉnh riêng đối với thị trường phân bón. Cũng như các DN Việt Nam khác, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động của công ty hiện nay là Luật DN năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, hệ thống các văn bản dưới Luật còn đang hoàn thiện, với không ít điều khoản được thay đổi và chỉnh sửa.
Đặc biệt, vừa qua, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% sang mặt hàng không chịu thuế chứ không phải giảm thuế xuống 0% đã khiến công ty phải chịu thuế đầu vào mà không được khấu trừ (Luật 71/2014/ QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế).
Ông Hồng cho rằng điều này đang khiến các DN sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước nói chung, đặc biệt là CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao lâm vào tình cảnh khó khăn. Phần thuế giá trị đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón lên 3-4%.
Chính vì vậy, công ty mong mỏi Bộ Tài chính nhanh chóng đưa đề xuất sửa đổi Luật trên.
Ông Khắc Ngọc Bá, Giám đốc công ty TNHH Quế Lâm Phương Bắc (sản xuất phân bón hữu cơ), cho biết hiện nay vẫn có những chính sách chưa đồng bộ, nhận thức của bà con nông dân chưa được đầy đủ về nông nghiệp hữu cơ.
Vì vậy, DN này mong muốn Chính phủ, Bộ NN&PTNT có những chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, để tuyên truyền hướng dẫn cho người sản xuất trực tiếp, người tiêu dùng hiểu tác dụng kép trong trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ.
Hơn nữa, để sản xuất chuỗi nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả, chất lượng nông sản được nâng cao, vấn đề nguyên liệu đầu vào là hết sức quan trọng. Ông Bá đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PTNT đưa ra những giải pháp để quản lý vật tư đầu vào chính thống.
Cùng với đó, những khó khăn mà đa phần các DN nông nghiệp gặp phải là khó tiếp cận vốn, đất đai… Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc công ty TNHH MT QT Hùng Dung, cho biết việc phải tự phát huy nội lực từ thuê đất để xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà máy, đường sá, điện, máy móc, con giống đến trang thiết bị, quy trình xử lý môi trường… đối với những DN mới thành lập như công ty này là quá sức.
"Mặc dù Nhà nước đã có quy định về hỗ trợ tín dụng nhưng các quy định về vay vốn ở địa phương còn có sự chồng chéo, chúng tôi phải thế chấp tài sản DN mới được vay vốn thương mại, để kinh doanh trên hai lĩnh vực nên gặp nhiều khó khăn", bà Đào chia sẻ.
Về đất đai, bà Đào cũng cho biết hiện nay, đất đã được giao cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý, địa phương không có quỹ đất để quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung. Để xây dựng trang trại và nhà máy, DN phải tự mua đất từ cá nhân với giá cao, diện tích ít nên hạn chế việc mở rộng quy mô và hoạt động kinh doanh lâu dài.
Còn nhiều rào cản làm khó DN nông nghiệp |
Giải bài toán đầu ra
Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp thường bị đánh giá là rủi ro lớn, không chỉ ở đầu ra mà còn lo ngại nông dân bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Hằng, CTCP Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu, cho biết bản chất của kinh tế thị trường là quan hệ hàng hóa và thương hiệu. Để nông dân chủ động hơn trong thời kỳ kinh tế thị trường, Chính phủ cần giúp họ sản xuất ra hàng hóa và xây dựng được thương hiệu.
DN này đề xuất Chính phủ nghiên cứu thiết kế nhận dạng thương hiệu theo quy mô vùng sản xuất tận dụng lợi thế tự nhiên và năng lực kinh tế của người dân; hàng triệu héc ta đất có thể thâm canh nuôi thủy sản, trồng cà phê, hồ tiêu, chè… bền vững theo mô hình HTX kiểu mới do Nhà nước dẫn dắt về chính sách và kỹ thuật, qua đó người dân tuân thủ theo chính sách và quy trình kỹ thuật để làm.
Bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), cho rằng để sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu, phát triển lên sản xuất lớn, Nhà nước cần phải hỗ trợ thành lập mô hình HTX kiểu mới, đội ngũ cán bộ quản lý HTX là người có trình độ, đồng thời Nhà nước đảm bảo cung cấp tín dụng cho các HTX mở rộng sản xuất. HTX sẽ là đầu mối để DN liên kết sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng đảm bảo.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra như vốn, kỹ thuật, kiểm soát... Câu hỏi đặt ra là nếu nông dân tham gia chuỗi sản xuất, họ sẽ ở đâu trong chuỗi khi khâu nào cũng đòi hỏi tính tuân thủ khắt khe? Từ thực tiễn, TH thấy việc đào tạo nhân lực, đặc biệt là nông dân là rất quan trọng để họ tự tin tham gia chuỗi sản xuất từ khâu đầu tiên là nguyên liệu.
Cùng với dự án sữa, Tập đoàn TH đang triển khai hai nhóm sản phẩm ngành hàng đồ uống và thực phẩm. Với cách thức gây dựng trang trại, sản xuất theo chuỗi, TH thu hút nông dân tham gia chuỗi thông qua các HTX.
Tuy nhiên, sự hợp tác với nông dân và các HTX trong chuỗi giá trị này chỉ có thể thực hiện khi nông dân đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất mà DN đang vận hành, nghĩa là có sự tương thích về tiêu chuẩn.
"Ví dụ khi thu mua thức ăn cho bò sữa, chúng tôi hướng dẫn nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP – khi thu mua sẽ có các test nghiêm túc về hàm lượng dinh dưỡng, loại bỏ nấm mốc… Điều này rất quan trọng với sức khỏe đàn bò sữa và lượng sữa", ông Hải chia sẻ.
Tương tự, khi sản xuất sữa hạt Macca TH true NUT, DN này phải nhập khẩu hạt macca vì đối tác đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng hạt. Khi triển khai hợp tác với nông dân, HTX trên địa bàn Lâm Đồng, DN thực hiện việc hướng dẫn kỹ thuật, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt và chỉ thu mua khi chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn quốc tế.
"Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất, chúng ta không thể hợp tác với nhau và như vậy chúng ta sẽ không có cơ hội hợp tác trên chính sân nhà", ông Hải nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ DN khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000 – 100.000 DN có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, phấn đấu có khoảng 3.000 – 4.000 DN đầu tư với quy mô lớn, 6.000 – 8.000 DN đầu tư với quy mô vừa. Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao DN cần xác định mục đích phục vụ là nông dân, sự thành bại của nông dân là thành bại của DN. Tuy nhiên, để DN có thể phát triển phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không, DN chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là làm ăn thua lỗ, phá sản. Ông Ngô Minh Hải - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Chúng tôi rất mong Bộ NN&PTNT có những chính sách đào tạo nông dân và HTX rộng hơn về mặt tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất trong nước và quốc tế, quản lý được chất lượng. Cùng với đó là chính sách khuyến khích DN tham gia đào tạo, tập huấn cho nông dân các kỹ năng mới trong sản xuất nông nghiệp. |