Mở đầu về câu chuyện phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay trước yêu cầu cạnh tranh nông sản hết sức khốc liệt trong chuỗi nông sản toàn cầu, nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã xác định nông nghiệp ứng dụng CNC là khâu đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo diện mạo mới và trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Những cách làm hay
Đến nay ở Lâm Đồng, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 30% giá trị sản xuất nông nghiệp, lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với doanh thu. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích năm 2018 đạt bình quân trên 163 triệu đồng/ ha/năm, trong đó có khoảng 1.500ha đạt 1-2 tỷ đồng/ha/năm.
Hơn ai hết, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân là những đối tượng thu thành quả từ ứng dụng CNC. Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc CTCP sản xuất Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), nhớ lại 10 năm trước, doanh nghiệp này chỉ mong bán được sản phẩm, tập trung vào số lượng, dẫn tới sản phẩm bị khách hàng trả giá rất rẻ.
Nhận thấy bất cập, doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược bằng cách liên kết với nông dân tại hai tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn – đào tạo kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và kiểm soát vùng nguyên liệu đến khi đưa về nhà máy chế biến theo yêu cầu xuất khẩu.
Đặc biệt, bà Huyền đúc rút kinh nghiệm, với ngành nông nghiệp, khâu nào có thể áp dụng máy móc nên áp dụng ngay, điều này không chỉ giúp tăng năng suất, nâng cao giá trị mà còn dễ dàng kiểm soát chất lượng.
Là đơn vị đầu tiên được Bộ NN&PTNT xác định ứng dụng nông nghiệp CNC và xây dựng theo chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến tới phân phối, Tập đoàn TH đã thành công khi đưa các sản phẩm nông nghiệp CNC ra thị trường.
Nhớ lại thời điểm triển khai dự án sữa tươi sạch TH true Milk năm 2009, bà Thái Hương – nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH, nhận thấy “CNC là chìa khóa cho phát triển nông nghiệp Việt Nam”. Vì thế, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng Cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng CNC quy mô lớn nhất châu Á tại Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Bà Lê Mai Hương, công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), cho biết công nghệ sinh học và những nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực di truyền giúp gia tăng hiệu quả việc phát triển giống đậu nành, tạo ra các giống đậu nành có năng suất cao, phẩm chất chuyên biệt làm thực phẩm.
Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành của Vinasoy kỳ vọng trong thời gian tới sẽ nhanh chóng tạo ra được nhiều giống mới, có phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các sản phẩm dinh dưỡng từ đậu nành.
Đó là những câu chuyện điển hình về phát triển nông nghiệp CNC mà nói theo cách của Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, khi chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh: “Nông nghiệp ứng dụng CNC ở Việt Nam là một bức tranh rất đa dạng và sinh động”.
Công nghệ cao đưa nông nghiệp Việt vào tốp đầu thế giới |
Phát triển HTX là “sống còn”
Nói tới nông nghiệp CNC là nói tới chuỗi liên kết, mà ở đó Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà nông, nhà băng (ngân hàng) phải trở thành thể thống nhất.
Muốn vậy, Việt Nam phải hình thành nhiều HTX kiểu mới, vì đây là nơi tập hợp những người nông dân cùng chung xu hướng, sở thích và lợi ích để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.
Theo Bộ NN&PTNT, khó khăn nhất hiện nay là cần tìm ra được doanh nghiệp “đầu đàn”, là “hạt nhân” dẫn dắt đưa công nghệ vào kết nối nông dân, hợp tác xã, tham gia chuỗi chuyển giao bộ giống, công nghệ từ doanh nghiệp hợp tác, hợp tác xã.
Đặc biệt, phát triển các mô hình HTX kiểu mới, liên kết sản xuất giữa nông dân – HTX – DN, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các DN FDI, các DN lớn trong nước và người nông dân là chủ thể trực tiếp thực hiện các chương trình.
Đặc biệt, chuyên gia Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, HTX là sống còn, duy nhất để liên kết tất cả nông dân nhỏ lẻ thành một khối thống nhất, đủ sức mạnh kết nối đầu vào và đầu ra. Hay nói cách khác, chuỗi giá trị nông sản Việt Nam không thể hình thành nếu thiếu HTX.
“Nhà khoa học của nhà nông” – PGs.Ts. Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho rằng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là xu hướng tất yếu mà Việt Nam phải đi. Tuy nhiên, làm đến đâu cần chắc đến đó. Nông nghiệp CNC không thể làm ồ ạt, theo phong trào, cuối cùng hiệu quả không cao. Muốn phát triển phải tập trung vào một số sản phẩm chủ lực có đầu ra như thanh long, vải thiều, xoài cát, các loại hoa cao cấp, gạo hữu cơ, rau cao cấp…
Ngày 11/4/1946, trong thư gửi cho điền chủ và nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi thành lập các HTX nông nghiệp: “Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông dân ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có HTX”.
Lê Thúy
Gs.Ts. Trần Đức Viên - Nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Người Nhật không có cánh đồng mẫu lớn với quy mô sản xuất tập trung hàng trăm ngàn héc ta, người nông dân vẫn cặm cụi trên mảnh đất của mình lo duy trì, nâng cao chất lượng, sản xuất nông sản trong các nông hiệp, một hình thức liên kết các hộ liền bờ liền thừa, một kiểu HTX. Nông hiệp lo tổ chức sản xuất, kết nối với DN, lo đầu vào, đầu ra để người nông dân có thu nhập cao nhất, chính quyền lo chính sách để người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, Nhà nước không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các nông hiệp. Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng với các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu nhờ ứng dụng nông nghiệp CNC gắn với chuỗi giá trị hiệu quả. Ở Hàn Quốc, khi kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng, các cơ quan, đơn vị chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật giống, cây trồng mới, khoa học công nghệ hiện đại giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa với các sản hẩm mũi nhọn chủ lực. Chính phủ Hàn Quốc xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như xây dựng các chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy sản xuất. Mỹ có nhiều quỹ đầu tư lớn cho nông nghiệp và tăng cường sử dụng nguồn lao động có trình độ cao cũng góp phần vào thành công của ngành nông nghiệp. Điều kiện làm việc của người dân cũng rất thuận lợi, các máy móc hiện đại, tốc độ cao, cơ giới hóa tất cả các khâu trong trồng trọt. Công nghệ sinh học góp phần phát triển đáng kể như tạo ra các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện bất thuận lợi sinh học và phi sinh học. Công nghệ phân tích không gian cũng được ứng dụng giúp tìm ra các địa điểm và thời gian tốt nhất cho việc gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch mùa màng. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Đến năm 2020, mục tiêu đạt 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Qua những liên kết theo chuỗi, quy mô HTX sẽ dần dần phát triển, lớn mạnh hơn. Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Nhà nước cần tạo điều kiện cho người chăn nuôi có diện tích đất đủ lớn, tiếp cận vốn ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi trang trại theo quy mô công nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời, nhân rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xa. Doanh nghiệp có thể chuyển giao kỹ thuật, công nghệ thông qua chương trình cung ứng giống, thức ăn… Ông Đặng Kim Sơn - Chuyên gia kinh tế Nếu thể chế cần đột phá ở đâu, tôi cho rằng chúng ta phải đột phá ở phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX. HTX cần phải đảm nhiệm cả đầu vào và đầu ra trong chuỗi giá trị. Cũng như tránh tình trạng hiện nay, chúng ta dường như vẫn tôn vinh DN, ca ngợi tập đoàn mà ít coi trọng HTX. Nếu chỉ coi trọng kinh tế cá nhân mà không coi trọng kinh tế tập thể sẽ là sai lầm của kinh tế thị trường. |