Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: Luật PPP đang xây dựng phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, giữa Nhà nước, NĐT và cộng đồng người sử dụng.
Theo Báo cáo đánh giá tác động về Luật PPP của Bộ KH&ĐT, thực tiễn triển khai các dự án PPP còn nhiều bất cập.
Doanh nghiệp sợ rủi ro
Thông qua Báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT và đặc biệt là Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án BOT giao thông cho thấy hầu hết các dự án BOT, BT thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn NĐT, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn NĐT; tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn NĐT không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng thường không được đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời.
Trong khi đó, cơ chế giám sát, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của NĐT cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn lỏng lẻo.
Tuy nhiên, phía các NĐT cũng cho rằng rủi ro nhất mà họ phải đối mặt là rủi ro pháp lý. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tasco, chia sẻ việc quy định vốn chủ sở hữu quá lớn là không cần thiết. “Đi vay vốn ngân hàng, tiền của DN phải được sinh lời. Tuy nhiên, nếu bắt DN đóng tiền vào đó nằm im một năm, thậm chí vướng mặt bằng 2 – 3 năm thì rất bất cập”.
Chưa kể, DN còn vướng mắc trong vấn đề thực hiện, triển khai và quyết toán hợp đồng. Ông Dũng cho biết nhiều cơ quan nhà nước hành xử với DN theo cách một cơ quan cấp trên. Hợp đồng ký rồi nhưng muốn là tự thay đổi điều khoản.
Tasco có đầu tư một dự án PPP ở Hà Nội, trong hợp đồng quy định Nhà nước giao cho một dự án khác để hoàn vốn, vật đổi vật ngang giá, giá trị của khu đất cũng định giá. Tuy nhiên, sau 10 năm, cơ quan nhà nước lại báo cáo lên Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét lại giá trị khu đất trên, rồi nêu lý do vướng mắc chính sách này, chính sách kia…
Hay liên quan tới quyết toán hợp đồng PPP, theo ông Dũng, có điều khoản Nhà nước có thẩm quyền thuê kiểm toán độc lập trước khi quyết toán, tuy nhiên không quy định cụ thể cơ quan kiểm toán độc lập là cơ quan nào. Trong khi đó, nếu DN tự thuê đơn vị kiểm toán độc lập, cơ quan nhà nước lại hoài nghi về tính minh bạch.
Vì thế, Tasco kiến nghị trong Luật PPP sắp tới nếu hợp đồng đã ký mà phát hiện nhầm lẫn thì cần phải xác định ai nhầm lẫn, cơ quan nào nhầm phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên. Đồng thời nên thống nhất một đơn vị kiểm toán, còn cơ quan nào là do Nhà nước quyết định.
Theo ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đèo Cả, các NĐT nước ngoài (FDI) rất quan tâm tới hình thức đầu tư PPP. Tuy nhiên, nhiều DN FDI đến hợp tác, đi vào dự án cụ thể lại quan ngại vì sợ rủi ro chính sách. Nếu không điều chỉnh, không những không thu hút được vốn FDI mà vốn trong nước cũng khó hấp dẫn.
Chưa kể, trong quá trình triển khai dự án, nhiều mệnh lệnh hành chính, văn bản nhà nước can thiệp vào hợp đồng dự án.
“DN gặp phải trường hợp cơ quan nhà nước không thu xếp được vốn giải tỏa mặt bằng, yêu cầu NĐT vay vốn để ứng tiền trước, cam kết bố trí trả lại trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan này tính ra trả 10 năm tiền lãi hơi nhiều nên chuyển phương án khác, khiến DN cảm thấy rất mệt mỏi”, ông Thuỷ bức xúc nói.
Cơ chế đối xử bình đẳng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư trong đầu tư PPP lâu nay vẫn chưa được thiết lập
Hài hòa lợi ích
Theo ông Đậu Anh Tuấn, đầu tư PPP – DN lo ngại rủi ro không phải là thị trường mà chính sách. NĐT mong muốn quan hệ giữa Nhà nước với họ phải bình đẳng.
“Đối tác công – tư có nghĩa Nhà nước tham gia là đối tác chứ không phải cơ quan cấp trên, hợp đồng giữa Nhà nước và tư nhân phải bảo đảm sự thống nhất tin cậy. Tránh tình trạng sau này, Nhà nước tự điều chỉnh hợp đồng, đẩy rủi ro, gây thiệt hại lớn cho NĐT”, ông Tuấn cho biết.
Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc công ty Monitor Consulting, cho rằng việc đưa ra mẫu hợp đồng là công việc khó khăn. Nên đưa nguyên tắc xây dựng nội dung hợp đồng dự án ngay từ đầu. Hợp đồng bao gồm quan điểm của cơ quan nhà nước với NĐT (bản chất của PPP là phân bổ rủi ro), cấu trúc dự án làm sao tận dụng ưu thế công và tư, có nguyên tắc phát huy đổi mới sáng tạo của tư nhân.
Đặc biệt, theo ông Hưng, dự án PPP kéo dài, thông thường tại các nước, nguyên tắc thực hiện bao giờ cũng có tính linh hoạt sau khi Nhà nước, NĐT cùng nhau đàm phán và đồng thuận sự thay đổi đó.
“Các dự án PPP liên quan tới ba bên là Nhà nước, NĐT, người sử dụng dịch vụ. Để hài hoà lợi ích, trong dự án nên có mục nào đó về tham vấn cộng đồng xã hội”, ông Hưng nói.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, cho rằng cơ chế đối xử bình đẳng giữa cơ quan nhà nước và NĐT lâu nay vẫn chưa được thiết lập. “Cần phải có cơ chế tính công khai minh bạch trong quản lý dự án. Trước đây, tôi vẫn băn khoăn chưa tách bạch trách nhiệm bên tham gia hợp đồng với trách nhiệm bên quản lý hợp đồng”, ông Quang nói.
Trước phản ánh của cộng đồng DN, bà Vũ Quỳnh Lê (Bộ KH&ĐT), nhấn mạnh: Luật PPP sắp tới cần phải tạo môi trường bình đẳng, chia sẻ, hợp tác hơn mệnh lệnh hành chính. Muốn đẩy mạnh đầu tư PPP, bản thân cơ quan thẩm quyền cần phải thay đổi tư duy, không phải xin – cho, chỉ đạo, mà là quan hệ đối tác.
Tuy nhiên, theo bà Lê, DN cũng cần có sự chuẩn bị dự án kỹ lưỡng, dự báo những tình thế phát sinh, tránh những rủi ro không cần thiết.
Lê Thúy
Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đèo Cả NĐT mong lợi ích như kỳ vọng, giảm rủi ro, thuận lợi khi thực hiện. Nhà nước mong có nguồn lực phát triển hạ tầng, bảo đảm trật tự xã hội. Cộng đồng xã hội mong các dự án được thực hiện minh bạch, công khai. Theo đó, để đạt được mục tiêu này trong đàm phán PPP cần tham vấn cộng đồng xã hội, DN liên quan, giảm sự xung đột trong các quy định hành chính pháp luật. Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đèo Cả Trong việc lựa chọn các NĐT theo PPP cần quan tâm tới khung tiêu chí để lựa chọn NĐT có năng lực, tránh đánh đồng những NĐT này với NĐT “làm một vài năm tranh thủ kiếm chác”. Bên cạnh việc xây dựng luật tốt, nội dung tốt cần quan tâm cách hành xử theo luật. Ông Trần Việt Dũng - Chánh Văn phòng Hợp tác công tư Bộ KH&ĐT
Dự án PPP thực hiện trong thời gian dài (thường 20-25 năm) với nhiều rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án. Do đó sẽ không tránh khỏi các tình huống tranh chấp, kiện tụng từ hai phía Nhà nước hoặc NĐT. Vì vậy, Luật PPP phải có một cách nhìn mới hơn và quyết tâm lớn hơn từ Nhà nước trong việc tạo ra sân chơi PPP công bằng và bình đẳng. |