Lý giải về tình trạng hàng ngàn nhà bán hàng lựa chọn rời bỏ sàn TMĐT trong thời gian gần đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng phần lớn là các nhà bán hàng thiếu cá tính, thiếu sự sáng tạo trong việc đưa ra các mặt hàng riêng hay các mặt hàng mới, chủ yếu họ thấy xu hướng là cái gì rồi chạy theo cái đó.
Rời bỏ vì chưa hiệu quả?
Như ví von của bà Hạnh, nói một cách bình dân là “mình cứ chạy theo đằng sau quá thì sẽ hít bụi”, sẽ không bán được hàng, hoặc là đã chọn sai khách hàng mục tiêu của mình. Đó là lý do mà những nhà kinh doanh phải bỏ sàn TMĐT.
Những yếu tố “ngầm” đằng sau hành vi chuyển kênh mua sắm rất cần các DN Việt lưu tâm. |
Trong khi đó, đứng ở góc độ doanh nghiệp (DN), trao đổi với VnBusiness, bà Trương Thị Minh Hương, Trưởng Phòng kinh doanh của CTCP Goods Link (chuyên về sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản) cho rằng việc đưa sản phẩm của công ty lên một số sàn TMĐT ở trong nước vẫn chưa như kỳ vọng, chưa thật sự hiệu quả. Nhất là những Deal (mua sắm với giá ưu đãi) mà các sàn TMĐT này giới thiệu có hiệu quả không cao.
Do đó, theo bà Hương, để tiếp tục hướng đi kinh doanh trực tuyến (online) nhằm gia tăng sức mạnh bán hàng, công ty sẽ có những chiến dịch ứng dụng kỹ thuật số để đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến (marketing online) trên Facebook, có những video clip đăng trên Tiktok, Instagram.
Thực tế cho thấy khi mà việc bán hàng trên các sàn TMĐT không hiệu quả thì bản thân DN sau khi rời bỏ sàn có thể thúc đẩy các giải pháp khác để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến, chẳng hạn như kích hoạt website bán hàng của chính DN và thông qua mạng xã hội.
Đơn cử như thực hiện livestream (phát trực tiếp) để bán hàng online. Theo chuyên gia về bán hàng online là ông Đặng Tiến Hoàng (có biệt danh trên mạng xã hội là Viruss), nếu các DN Việt không đáp ứng được công nghệ livestream để bán hàng sẽ khó tránh chuyện bị đào thải. Điều này có thể học hỏi từ Trung Quốc khi hiện nay trên thị trường này đã xây dựng nên những trường học, dạy livestream, họ làm gấp đến mức mời cả chuyên gia nước ngoài về để dạy cho DN của họ.
Điều đáng nói, ông Hoàng lưu ý là khi đi nói chuyện với các DN Việt lại nhận thấy một xu hướng ngược lại, đó là cảm giác e ngại về công nghệ, có nhận thức sai lầm là khó có thể bán hàng bằng công nghệ mới.
Theo giới chuyên gia, người tiêu dùng ở Việt Nam hiện có nhiều lựa chọn mua sắm. Nhất là khi các kênh mua sắm rất đa dạng, mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Với các kênh trực tiếp, có thể là chợ, siêu thị, bán hàng trực tiếp. Còn với các kênh online, có thể là website bán hàng của DN, mạng xã hội, sàn TMĐT.
Chẳng hạn, kênh mạng xã hội (có một số điểm tương đồng với mua qua nền tảng số), có 65% người tiêu dùng sử dụng. Thực tế, thương nhân bán hàng cũng triển khai bán hàng đa kênh, chứ không phụ thuộc vào các nền tảng số (44% DN sử dụng kênh website TMĐT của chính DN và 65% DN sử dụng kênh mạng xã hội).
Có thể nói người tiêu dùng có quyền quyết định kênh mua sắm, và có thể chuyển đổi linh hoạt giữa các kênh sao cho có lợi nhất với mình (như mua sắm được hàng hóa với giá rẻ hơn, được giao hàng nhanh hơn…). Và như phản ánh của các DN, ngành bán lẻ ở Việt Nam, bao gồm cả ngành TMĐT, vẫn mang tính cạnh tranh cao, thuận lợi cho người mua.
Theo Ts. Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên gia Digital Marketing (tiếp thị sử dụng các kênh kỹ thuật số) tại Đại học RMIT, khách hàng mua sắm đa kênh mang lại lợi nhuận cao hơn vì họ thường chi tiêu nhiều hơn những người mua sắm trên một kênh duy nhất.
“Họ biết họ muốn gì, khi nào và cần sử dụng kênh nào cho các mục đích khác nhau. Họ rất ưu tiên các nhà bán lẻ có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm thuận tiện và liền mạch trên các kênh”, Ts. Vân Anh nói.
Cần những giải pháp hữu hiệu
Do đó, vị chuyên gia của RMIT cho rằng do tầm quan trọng của những khách hàng này nên các DN Việt phải hiểu cách thức và thời điểm khách hàng sử dụng các kênh khác nhau và động lực thúc đẩy họ chuyển kênh trong quá trình mua sắm.
Còn về vấn đề của những nhà bán hàng rời bỏ sàn TMĐT, vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu cá tính, thiếu sự sáng tạo của người bán, nhiều ý kiến cho rằng còn nằm ở nguyên do sức mua giảm, phí sàn và thời gian sàn giữ tiền cũng ngày càng tăng nên không bảo vệ được người bán.
Không những vậy, các shop bán hàng Trung Quốc đang đổ ồ ạt về các sàn TMĐT ở Việt Nam, họ còn có sự hỗ trợ từ các tổng kho ngoại quan để trung chuyển hàng sang Việt Nam. Trước đây các shop trong nước còn có lợi thế về thời gian giao hàng nhưng tình hình hiện tại đã cho thấy không còn.
Và như lưu ý của bà Vũ Kim Hạnh, trong 5 sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam bây giờ có đến 4 sàn đều nằm trong sự ảnh hưởng hay chủ quản của người Trung Quốc và có mức tăng trưởng rất đáng kể.
Nếu quan sát tình hình hiện tại trên thị trường TMĐT ở Việt Nam sẽ thấy hàng Trung Quốc đang chiếm phần lớn doanh số và hàng Việt đang đối mặt cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà”. Cho nên các DN Việt ngoài việc tìm ra các giải pháp để tăng sức cạnh tranh khi bán hàng trước mối lo hàng Trung Quốc giá rẻ thì cũng cần lưu tâm nhiều hơn đến những yếu tố “ngầm” đằng sau hành vi chuyển kênh mua sắm.
Bên cạnh đó, khâu chính sách nên có những hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN Việt trong việc bán hàng trên “sân nhà” từ kênh ngoại tuyến cho đến trực tuyến. Nhất là cần tránh hạn chế các cơ hội kinh doanh của DN nội địa khi vẫn còn có xu hướng chồng chéo ở khâu thủ tục.
Điều này có thể thấy rõ như đề xuất mới đây của Bộ Công Thương về việc bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ TMĐT do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.
Góp ý với Bộ Công Thương trong trung tuần tháng 5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ đề xuất nêu trên có nguy cơ chồng chéo về thủ tục hành chính. Bởi lẽ, Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã quy định thủ tục hành chính liên quan đến việc kiểm soát điều kiện giao dịch chung của các sàn TMĐT. Ngoài ra, Điều 32.3 Nghị định 52 cũng quy định cụ thể về nội dung, hình thức và cơ chế người tiêu dùng thể hiện sự đồng ý với điều kiện giao dịch chung.
Còn nếu dựa theo đề xuất nêu trên, DN có thể phải thực hiện 2 thủ tục hành chính cho cùng một nội dung thay đổi trong điều kiện giao dịch chung ở 2 cơ quan cùng thuộc Bộ Công Thương.
Nói chung, vẫn còn đó những mối lo chồng chất cho hàng Việt nhìn từ câu chuyện hàng ngàn nhà bán hàng rời bỏ các sàn TMĐT lớn cho đến thách thức từ hàng Trung Quốc giá rẻ cùng các yếu tố “ngầm” phía sau hành vi chuyển kênh mua sắm, lại thêm mối lo chồng chéo thủ tục về dịch vụ TMĐT…Tất cả là những “bài toán” cần các DN Việt và các nhà quản lý nên có giải pháp hữu hiệu hơn.
Thế Vinh