Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 từ tháng 5/2021, khảo sát doanh nghiệp từ ngày 12-22/8/2021 với trên 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia.
Lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%. |
Kết quả cho thấy, trong tổng số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, tỷ lệ số doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp cố gắng “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16% (tương đương với 3.355 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp “Giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15% (tương đương với 3.272 doanh nghiệp).
Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung cao ở doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm tỷ lệ 18,6% trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia khảo sát, còn ở các quy mô còn lại thì tỷ lệ này dao động quanh mức 12%. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì được một phần hoạt động kinh doanh so với doanh nghiệp cùng quy mô tập trung nhiều ở các doanh nghiệp có quy mô lớn chứ không phải doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 5/2021, nhóm nghiên cứu đặt ra một câu hỏi khảo sát để tìm hiểu sâu hơn lý do khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Trong số 14.890 doanh nghiệp trả lời “Tạm thời ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch”, gần 32,5% doanh nghiệp là diện “tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát”, gần 2,5% doanh nghiệp “buộc phải đóng cửa do có người bị nhiễm COVID-19 (F0)”, hơn 6% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động theo yêu cầu khi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16/16+ của các tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động
Lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%. Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau. Điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương/địa bàn hiểu một kiểu.
Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn. "Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe", báo cáo cho thấy.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp “Buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương” cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng cho các doanh nghiệp khác.
Ví dụ, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tại miền Bắc, trước khi dịch bùng phát từ tháng 5/2021, nguồn nguyên phụ liệu cho ngành may được cung cấp chủ yếu bởi các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, hoặc Đồng Nai. Khi dịch bùng phát tại các tỉnh/thành phố phía Nam, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, các doanh nghiệp miền Bắc bị mất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu dẫn tới tình trạng buộc phải đóng cửa tạm thời chờ đối tác khôi phục lại sản xuất hoặc chờ có nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu để thay thế.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19, các doanh nghiệp tham gia khảo sát ở nhóm này được hỏi về việc “dự kiến đóng cửa tạm thời trong bao lâu”. Tỷ lệ cao nhất trong số các lựa chọn trả lời là gần 45% doanh nghiệp cho biết “Không dự tính được” thời gian phải đóng cửa bao lâu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.
Tỷ lệ cao thứ hai trong số các lựa chọn trả lời là khoảng 28,5% doanh nghiệp cho biết họ dự tính tạm đóng cửa “1-3 tháng”. Tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan nhất có thể lượng hóa được thời gian dự kiến đóng cửa chỉ “trong vòng 2 tuần” hoặc tỷ lệ doanh nghiệp bi quan nhất với dự kiến đóng cửa “hơn 6 tháng” đều vào khoảng 2,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến đóng cửa “trong vòng 4 tuần” hay phải đóng cửa trong vòng “3-6 tháng” là hơn 10%.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp vẫn tập trung phần lớn kiến nghị vào các vấn đề thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng: Đề xuất các chính sách liên quan được thiết kế theo hướng nhà nước hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp trả lương cho người lao động phải tạm nghỉ do dịch; Đôn đốc, kiểm soát tốc độ giải ngân để gói hỗ trợ đến được với người dân và doanh nghiệp nhanh nhất có thể; Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, để duy trì và đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất: Chính phủ cần tập trung các giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, tránh để bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất khách hàng, mất thị trường và theo đó khó có thể phục hồi sau dịch.
Nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để doanh nghiệp tùy đặc điểm tình hình có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn và áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ kéo dài hiện quá tốn kém và không giữ chân được người lao động do các vấn đề về tâm lý, đời sống...
Nhật Linh