Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% DN không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy nhằm thực hiện “3 tại chỗ”.
Dừng hoạt động kéo dài, DN khó sản xuất trở lại
Với những nhà máy thủy sản thực hiện được phương án "3 tại chỗ" thì số công nhân có thể huy động được chỉ từ 30-50% tổng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70% so với trước dịch.
Bắc Giang đã thực hiện theo tinh thần “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch". |
Đáng lo ngại, kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 30 - 40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Việc phục hồi sản xuất của DN đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vắc xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị vì mắc COVID-19…
Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng hồi phục sản xuất rất khó, nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9/2021 thì nguy đứt chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
"Theo các DN được khảo sát, trường hợp DN được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách (sau 15/9) thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế", VASEP cho biết.
Trước tình hình trên, VASEP đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc quy định sản xuất “3 tại chỗ” bằng việc hướng dẫn DN thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” sau khi đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 và nơi ở công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, các địa phương nên cho những người đã được tiêm vắc xin sản xuất bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Có như vậy mới không làm chuỗi sản xuất ngành thủy sản bị đứt gãy.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, bởi 2 tháng vừa qua là quãng thời gian cực kỳ khó khăn với DN. "Nếu dịch bệnh kéo dài thêm 2 tháng nữa, chắc chúng tôi sẽ sụp đổ hoàn toàn", ông chia sẻ.
Đồng thời, ông Tùng cho rằng, nếu trong tình huống xấu nhất là chúng ta phải sống chung với dịch bệnh thì chính quyền địa phương cần có những kịch bản dự báo trước cho DN để chủ động thích ứng, duy trì hoạt động. "Hiện nay, cứ gần hết một kỳ giãn cách 15 ngày, DN rất hoang mang không biết 15 ngày tiếp theo có hết giãn cách hay không, cần những giấy tờ gì để đảm bảo hoạt động, người lao động có thể ra đường", ông Tùng thông tin.
"Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch"
Trước phản ánh của DN, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên để duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; phối hợp với DN, HTX tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, duy trì sản xuất chính là huyết mạch của nền kinh tế. Việc khôi phục các hoạt động sản xuất không chỉ đảm bảo nền kinh tế nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh dần được kiểm soát, mà quan trọng hơn đó là đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, qua đó cũng giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.
Liên quan đến một số kiến nghị của DN về tính liên kết chuỗi, lưu thông hàng hoá, di chuyển lao động giữa các địa phương, xác nhận quy tắc xuất xứ…, Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ xem xét, nghiên cứu để sớm đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Từ kinh nghiệm của địa phương mình, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, để có tăng trưởng, khôi phục nhanh như hiện nay, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch vừa chống dịch, vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh tế. "Có thể nói, ngay từ thời điểm nóng nhất của dịch COVID-19, chỉ sau 1 tuần đóng cửa khu công nghiệp, Bắc Giang đã có kế hoạch khôi phục kinh tế rồi, bản thân lúc dịch đang căng thẳng, chúng tôi chủ động trao đổi với DN để điều chỉnh nội dung chống dịch, sản xuất", ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, tinh thần của tỉnh là “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Các phương châm được thực hiện là “nhà máy an toàn”, "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", "nhà trọ an toàn", "công nhân an toàn" đã được thí điểm thực hiện thành công ở Bắc Giang sau đó áp dụng ở một số địa phương khác.
“Để có những thắng lợi chống dịch, quan trọng nhất là chủ động và linh hoạt, khi có tình huống mới phải chuyển trạng thái mới ngay”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn với phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến", UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã cho phép thực hiện mô hình "3 xanh" gồm: nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Theo đó, nhà máy, xí nghiệp ở trong và ngoài khu công nghiệp tại các vùng xanh vẫn đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch mới được phép hoạt động, DN phải nắm thông tin về người lao động của mình (về nơi ở, người ở chung, lộ trình di chuyển từ nơi ở đến DN).
Bên cạnh đó, các huyện ở vùng xanh ở Bình Dương sẽ được giảm bớt cường độ giãn cách, người dân được ra đường trong một số trường hợp cần thiết nhưng chỉ áp dụng với những ai đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
Theo đánh giá của các DN, những biện pháp nới lỏng như trên sẽ giúp họ có thể sớm phục hồi sản xuất, thay vì chờ tới khi cả địa phương hết dịch mới được phép hoạt động trở lại.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |