Ghi nhận ở Tiền Giang tính đến những ngày đầu tháng 9/2021 cho thấy, việc tiêu thụ nông sản đang có dấu hiệu cải thiện tích cực sau thời gian chật vật do tác động của dịch Covid-19 đợt 4, nhất là ở khu vực tham gia vào chuỗi giá trị như các hợp tác xã (HTX).
Những cải thiện tích cực
Chẳng hạn như đầu ra của gà công nghiệp, nhờ có liên kết ổn định với các doanh nghiệp (DN), thương lái tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nên HTX TMDV Nông nghiệp Đất Việt ở thị xã Gò Công (Tiền Giang) vẫn đang cung cấp ổn định 2.000 con gà/lần giao như thỏa thuận 3 ngày/lần.
Đại dịch Covid-19 đợt 4 cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết theo chuỗi giá trị nông sản cần vững chắc hơn để không bị đứt gãy. |
Tương tự, tình hình tiêu thụ nông sản của các HTX, DN khác liên kết theo chuỗi giá trị ở tỉnh này vào thị trường Tp.HCM đang cho thấy khả quan với sản lượng tiêu thụ bình quân hằng ngày đạt từ 6 - 10 tấn/HTX.
Mặc dù rất nhiều nông sản tiêu thụ chậm trong thời điểm dịch Covid-19, nhưng thực tế cho thấy, việc liên kết giữa nông dân, HTX và DN theo chuỗi liên kết ở Tiền Giang đã phần nào giúp nhiều nông dân giảm thiểu được thiệt hại giữa thời dịch hoành hành.
Còn ở Đồng Tháp, dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 đợt 4 nhưng hoạt động xuất khẩu (XK) nông sản vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tích cực. Trong điều kiện khó khăn nhưng với XK thuỷ sản vào tháng 8/2021 tăng 5,06% so cùng kỳ năm 2020, còn XK gạo bằng 98,35% so cùng kỳ năm trước.
Giữa tình hình dịch bệnh như hiện nay, trong vấn đề tiêu thụ nông sản thì tỉnh Đồng Tháp lưu ý là phải xác định nhu cầu của đối tác và có cách thức tổ chức phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu, từ đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản nhanh hơn cho nông dân. Nhờ vậy mà riêng tuần qua, tổng sản lượng nông sản, thuỷ sản đã được kết nối tiêu thụ được là 323 tấn.
Tuy nhiên, ở tỉnh này vẫn còn một số nông, thủy sản tồn động với sản lượng lớn như kiệu, khoai lang, khoai môn, chanh, ếch, cá tra, lươn… Đơn cử như lươn là 1 trong 4 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở Tp.Hồng Ngự (Đồng Tháp) lại đang gặp khó khăn về đầu ra.
Tại Hồng Ngự có khoảng 100 hộ nuôi lươn, do tình hình dịch bệnh nên hiện còn trên 10 tấn lươn thương phẩm và gần 300.000 con lươn giống, chưa thể xuất bán. Những hộ nuôi đang sốt ruột mong tháo gỡ khó khăn đầu ra khi chuỗi chăn nuôi lươn của họ đang có vấn đề.
Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến đầu tháng 9 này thì việc kết nối tiêu thụ tốt nông sản, thủy sản vẫn đang được đẩy mạnh. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết về rau màu, sản lượng thu hoạch trong thời gian thực hiện giãn cách đến nay là 41.891 tấn, trong đó tiêu thụ hết 41.803 tấn.
Còn nhiều việc phải làm
Tỉnh Sóc Trăng cũng đã thu hoạch hơn 56.000ha/141.191ha lúa Hè - Thu năm 2021, năng suất bình quân gần 5,7 tấn/ha, sản lượng 318.000 tấn, đã được các thương lái, nhà máy trong và ngoài Sóc Trăng thu mua hết.
Việc tiêu thụ nông sản ở tỉnh này giữa giai đoạn dịch bệnh được đánh giá cao nhờ vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, thương lái đến thu mua lúa cho nông dân.
Bên canh đó, Sóc Trăng còn thành lập các nhóm Zalo về tiêu thụ nông sản và HTX liên kết tiêu thụ nông sản, qua đó đã góp phần tiêu thụ lượng lớn nông sản tại các huyện.
Ngoài ra, tỉnh này còn thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ thương lái, người dân thu mua, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó đã góp phần tiêu thụ, hạn chế tồn đọng hàng hóa nông sản tại các địa phương.
Với những tín hiệu cải thiện tích cực, giới chuyên gia cho rằng việc giải bài toán đầu ra cho nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn đại dịch Covid-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết theo chuỗi giá trị. Nhất là cần làm cho chuỗi giá trị vững chắc hơn nữa để không bị đứt gãy, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.
Dù đầu ra nông sản ở ĐBSCL đang dần được khơi thông, cải thiện giữa các điều kiện giãn cách xã hội đầy khó khăn, nhưng cũng phải thấy rằng đại dịch lần này đã tác động tiêu cực lên chuỗi giá trị, từ đó tác động đến chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, hao hụt và lãng phí nông sản. Nhất là việc cung cấp vật tư đầu vào khó khăn, giá cả leo thang, trong khi giá nông sản và sản lượng tiêu thụ lại sụt giảm.
Điển hình là giá phân bón tăng cao đang là gánh nặng với nông dân ở ĐBSCL. Qua ghi nhận thực tế, hiện giá phân bón đang duy trì ở mức cao. Riêng phân urê có giá bán lẻ tăng gần gấp đôi so với năm trước. Giá một số loại phân bón khác cũng tăng cao khiến nông dân càng thêm khó khăn.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm, trong bối cảnh chuỗi giá trị chế biến nông, thủy sản ở ĐBSCL gặp khó khăn trong giai đoạn đại dịch đợt 4 đã có trên 10.000 DN ở khu vực rời khỏi thị trường (tính từ tháng 6 đến 8/2021). Bên cạnh đó, đã có gần 90% DN phải tạm ngưng hoạt động.
Nêu ra tình hình cải thiện tiêu thụ nông sản ở một số địa phương cùng với tình thế khó khăn của DN ở ĐBSCL để thấy rằng, chuỗi giá trị nông sản tại vùng này còn nhiều việc phải làm. Nhất là trong giai đoạn đại dịch này thì cần phải phát huy lợi thế hơn nữa của sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.