Do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, hầu hết các HTX vận tải đều đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm mạnh. Cụ thể, theo Liên minh HTX Việt Nam, trong kinh doanh vận tải, các HTX bị ảnh hưởng đến 90%. Nhiều HTX phải cắt giảm phương tiện hoặc phải dừng hoạt động, thu hẹp hoặc chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khó vay vốn vì... điều kiện
HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất (Đồng Nai) hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa, sửa chữa bảo dưỡng xe, các thiết bị hành trình. HTX có 990 phương tiện bao gồm: xe buýt, xe chạy hợp đồng, xe tải...
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất, cho biết HTX có nhiều tuyến hoạt động nội tỉnh, liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM, Bình Dương... Thế nhưng, từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ một số xe HTX tải bảo đảm dịch vụ vận tải hàng hóa hoạt động. Còn lại là xe trong tình trạng “đắp chiếu” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của các chủ xe và thành viên.
“Hiện, Ban Giám đốc của HTX chỉ làm việc online nhưng doanh thu không đủ bù chi cho chi phí về nhân sự, phí bảo trì đường bộ, bến bãi... Khó chồng khó nên nhiều thành viên, chủ xe chán nản”, ông Thiện giãi bày.
Thế nhưng dù đã làm thủ tục vay vốn ngân hàng theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, HTX vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Dù không được hoạt động nhưng các HTX vẫn phải thường xuyên kiểm tra xe, bảo dưỡng, thực hiện công tác sát khuẩn trên xe theo định kỳ. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là tại Nghị quyết 68/NQ-CP, HTX được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% thì phải đáp ứng điều kiện: HTX phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ phòng, chống dịch từ 30 ngày trở lên; không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn; đóng đủ lương, bảo hiểm cho thành viên, người lao động đến thời điểm vay vốn.
“HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải với hàng trăm xe không chỉ của thành viên mà xe còn của nhiều người lao động khác. Bên cạnh đó dù hoạt động trên địa bàn thực hiện giãn cách xã hội nhưng HTX vẫn phải cầm cự bằng việc cho một số xe vận chuyển hàng hóa. Nếu phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch mới được hỗ trợ vay vốn thì HTX không thể đáp ứng được”, ông Thiện cho biết.
Hay tại HTX vận tải thương mại và dịch vụ Hùng Trang (Hà Giang), bà Bùi Thị Thu Trang, Giám đốc HTX, cho biết HTX có 53 đầu xe nhưng đến nay chỉ còn 20 xe hoạt động cầm chừng để giữ khách. HTX cũng mong muốn được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP để vơi đi phần nào khó khăn nhưng các quy định đưa ra rất khó thực hiện.
Theo lý giải của HTX, phía ngân hàng yêu cầu HTX phải có hợp đồng lao động, trong khi nhiều người mới vào thử việc nên chưa có hợp đồng. Bên cạnh đó, tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên HTX chưa dừng hoạt động. HTX vì vậy không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra.
“Hiện, các xe hoạt động chủ yếu là taxi nhưng nếu theo yêu cầu trên thì HTX sẽ không tiếp cận được, bởi quy định này chỉ áp dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp, HTX ngừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%… Tuy nhiên, 70% xe của chúng tôi dừng hoạt động, số xe còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi. Vậy nên dù có được hoạt động nhưng hiệu suất và doanh thu vẫn rất thấp”, bà Trang phân tích.
Cũng trong tình cảnh trên, ông Phạm Thành Nhật, Giám đốc HTX vận tải Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, HTX cũng không đáp ứng đủ điều kiện dù đang có 100 xe tải, xe chở khách, xe cẩu nhưng tỷ lệ xe làm việc chỉ còn 15%.
“Chúng tôi đã kiến nghị lên ban, ngành nhưng đều chưa được hỗ trợ giải quyết trong khi dịch Covid-19 khiến thành viên hết sức khó khăn”, ông Nhật cho biết.
Hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, nợ ngân hàng ngày càng lớn, gánh nặng lương công nhân liên tục đổ dồn về... đó là tình trạng chung của các HTX vận tải sau một thời gian dài phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19. Nhiều HTX sắp không trụ nổi
“Thực sự chúng tôi hết sức khó khăn, sắp không trụ vững nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Dù xe có để không thì cũng phải bảo dưỡng và vẫn phải trả nợ ngân hàng, trong khi việc hỗ trợ từ Nhà nước rất chậm và chưa phù hợp thực tiễn”, ông Nguyễn Xuân Thiện, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất nói.
Linh hoạt trong chính sách
Theo chia sẻ của các HTX, hầu hết các HTX vận tải đều thực hiện vay ngân hàng để đầu tư xe theo hình thức trả dần nên nguồn lực tương đối hạn hẹp. Trong khi hiện nay, nhiều hãng hàng không cũng đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn thì sự cầm cự của các HTX vận tải đến thời điểm này đã là một nỗ lực lớn.
Nhiều HTX chấp nhận chịu lỗ để duy trì tuyến và tránh tình trạng xe hỏng vì dừng hoạt động lâu ngày không đơn thuần chỉ vì quyền lợi của họ (giữ slot), mà còn vì lợi ích của khách hàng, của người lao động, thành viên và của cả cộng đồng.
Nếu các HTX vận tải rơi vào cảnh phá sản sẽ ảnh hưởng lập tức đến hoạt động logistics vận chuyển hàng hóa trên cả nước. Vì theo thống kê, hiện có hàng nghìn đầu xe của các HTX vận tải đang tham gia lưu thông nông sản, tránh tình trạng dồn ứ hàng hóa cũng như bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân vùng dịch.
HTX Thống Nhất có nhiều xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh nhưng phải dừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội. |
Bên cạnh đó, nếu HTX vận tải ngừng hoạt động, người chịu thiệt đầu tiên chính là người dân khi dịch vụ vận chuyển khách bị thu hẹp, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội.
Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP nếu đi vào thực tiễn sẽ là chiếc phao cứu sinh cho các HTX vận tải. Tuy nhiên, trong nghị quyết vẫn có những quy định về điều kiện hưởng hỗ trợ chưa phù hợp nên trở thành "rào cản" khiến một số HTX không thể tiếp cận được chính sách.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, muốn được hỗ trợ, HTX phải bảo đảm trả hết thuế đến thời điểm làm hồ sơ. Nhưng thực tế, nhiều HTX ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc sản xuất cầm chừng, thu không đủ bù chi thì rất khó hoàn thành việc đóng thuế theo quy định.
Chính vì vậy, theo ông Quyền, các HTX vận tải đang rất khó khăn, không thể chờ đợi được nữa. Trong khi thủ tục hồ sơ yêu cầu rất nhiều giấy tờ, việc đi lại thực hiện cũng rất khó do dịch Covid-19 bùng phát. Nếu thủ tục không phù hợp, hỗ trợ không nhanh, nhiều HTX sẽ bị phá sản.
“Các cơ quan chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế, đặc biệt là từng đối tượng để nghiên cứu, hướng dẫn HTX có thể dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh thời gian duyệt hồ sơ để nguồn vốn hỗ trợ đến với HTX kịp thời”, ông Quyền nêu ý kiến.
Từ thực tế hoạt động, ông Nguyễn Xuân Thiện cũng kiến nghị Nhà nước cần xác định rõ từng loại hình vận tải trong gói hỗ trợ bởi hiện nay, loại hình vận tải hành khách của HTX hầu như là bị ảnh hưởng, thậm chí dừng hoạt động. Tuy nhiên, dịch vụ vận tải hàng hóa vẫn được nhiều HTX duy trì, vì vậy, khi xác định rõ được loại hình vận tải thì chính sách hỗ trợ HTX sẽ đúng và trúng.
Huyền Trang