Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng điện đang rất thiếu hụt, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ, việc phát triển nhiệt điện than là vấn đề gây tranh cãi giữa lợi ích cấp bách thiết thực với các lợi ích xã hội khác.
Nhiều địa phương từ chối
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất tất cả nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết giai đoạn 2016 – 2020, chỉ đưa được vào vận hành khoảng 8.000 MW điện than. Một số dự án nhiệt điện than chậm tiến độ như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Hải Dương…
Theo ông Lực, các dự án nhiệt điện than bị chậm do một số nguyên nhân chính như thiếu vốn; chủ đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực; tổ chức thực hiện còn bất cập; các dự án BOT có thời gian đàm phán hợp đồng và chuẩn bị đầu tư kéo dài và đặc biệt là do một số địa phương không ủng hộ xây dựng nhiệt điện than.
Cụ thể, hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch không có khả năng thực hiện như Long An 1, 2 (công suất 2.800 MW, vận hành 2024 – 2027); Bạc Liêu (công suất 1.200 MW, vận hành 2029 – 2030); Tân Phước 1, 2 (công suất 2.400 MW, vận hành 2025- 2028) do không được địa phương ủng hộ. Trong trường hợp đó, cần có nguồn thay thế để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống.
Ông Lực cho biết giai đoạn 2016 – 2020, chỉ có 58% nhà máy nhiệt điện than đáp ứng tiến độ trong quy hoạch. Bởi vậy, năm 2019 – 2020, tỷ lệ dự phòng không còn nữa thì nguy cơ thiếu điện sẽ xuất hiện. Nếu thay 1.000 MW nhiệt điện than tương đương 7 tỷ kWh/năm (giá điện 1.600 đồng/kWh) bằng nhiệt điện khí LNG (giá điện 2.100 đồng/kWh) sẽ tăng chi phí phát điện thêm khoảng 3.500 tỷ đồng/năm.
Trả lời câu hỏi về việc thời gian qua, nhiều người có cái nhìn không đúng về nhiệt điện than, trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu, ông Lực cho rằng Quy hoạch điện VII đã được nghiên cứu kỹ trước khi trình Chính phủ. Khi đã ban hành, đó chính là chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thông tin không có cơ sở, nguồn gốc thông tin thiếu chính xác đang tác động đến tư tưởng, nhận thức của người dân, dẫn đến chính quyền, người dân một số địa phương không ủng hộ phát triển nhà máy nhiệt điện than.
Ông Lực giải thích, nhà máy nhiệt điện than tuy có phát thải nhưng đã có biện pháp khắc phục. Nhà máy điện than trong nhiều năm tới vẫn phải là nguồn năng lượng quan trọng, tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo được việc cung cấp điện với giá hợp lý cho người dân.
Ts. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, bổ sung thêm, khi chọn đặt một nhà máy tại địa phương nào đó cũng phải làm nhiều khảo sát về địa chất, thủy văn, phụ tải, điều kiện nước làm mát… kéo dài cả năm trời. Thêm vào đó, khi lập quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than này phải được địa phương ủng hộ thì mới cho vào.
"Tôi không đồng tình với tình trạng tùy tiện rút khỏi quy hoạch của một số địa phương. Người làm quy hoạch phải đảm bảo quy hoạch đó mang lại lợi ích kinh tế với quốc gia", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Việt Nam chưa thể nói không với nhiệt điện than |
Đau đáu nguyên liệu
Ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ – Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ các nhà máy nhiệt điện than lâu nay cung cấp điện cho nền kinh tế không được mấy người nhắc đến, mà bị coi như "tội đồ".
Các nhà máy điện than chiếm 35,06% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó EVN quản lý 12 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất đặt 9.585 MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống.
Ông Bình đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường.
Các nhà máy đầu tư từ những giai đoạn trước cũng như đang được đầu tư bổ sung hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị, giảm tác động môi trường đồng thời nâng cao hiệu suất các tổ máy.
Ở một góc độ khác, ông Vũ Thế Uy, Viện Năng lượng, cho rằng cần phải phân tích vì sao người dân có cái nhìn chưa đúng về nhiệt điện than. Lâu nay xây dựng khá nhiều nhà máy nhiệt điện, người dân và các tỉnh không ủng hộ. Nguyên nhân là do tổng thầu các nhà máy nhiệt điện than lớn, trong đó tổng thầu Trung Quốc tham gia xây dựng các nhà máy chiếm tỷ trọng lớn.
Có thể so sánh ở hai dự án nhiệt điện Phả Lại và Quảng Ninh. Theo khảo sát của Viện Năng lượng, Nhiệt điện Phả Lại 2 vận hành 20 năm, vận hành tin cậy hơn hẳn với Nhiệt điện Quảng Ninh.
"Chúng tôi có hỏi người dân, họ cho biết ủng hộ và không nói gì về ô nhiễm. Tuy nhiên, khi khảo sát Nhiệt điện Quảng Ninh thì hoàn toàn trái chiều. Khi quy hoạch địa điểm, khi xây dựng nhà máy, người dân và tỉnh không đồng ý", ông Uy cho biết.
Ông Phạm Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, cho biết nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi; nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát; chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ) nguy hại.
Các nhà máy nhiệt điện than có thể gây nhiều tác động về môi trường như chất lượng môi trường không khí khu vực nhiệt điện than và lân cận… Do đó, việc quản lý về môi trường với các nhà máy nhiệt điện than cần có báo cáo giám sát môi trường định kỳ (giai đoạn thi công, xây dựng, vận hành).
Thực hiện công bố thông tin về quản lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện than với cộng đồng bằng cách tổ chức các cuộc họp và mời người dân tham quan nhà máy. Có như vậy, người dân mới yên tâm khi sinh sống gần các nhà máy nhiệt điện than.
Bên cạnh đó, một trong những mối lo lớn nhất của các nhà máy nhiệt điện than là thiếu nguyên liệu than, phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Ông Đinh Quang Trung, Phó Trưởng Ban Kinh doanh than, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), lo ngại việc thiếu nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện là một thực tế. Phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, sản lượng than sản xuất 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu lên tới 55 triệu tấn/ năm. Nhu cầu sử dụng than ngày càng gia tăng, năm 2016 mới chỉ hơn 30 triệu tấn/năm nhưng tới năm 2030 ước lên tới hơn 120 triệu tấn.
Hiện nay, TKV đang huy động hết tồn kho để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Năm 2018, tồn kho giảm đáng kể và gần như không còn nguồn cho năm 2019.
Lê Thúy
Ông Đinh Quang Trung - Phó Trưởng Ban Kinh doanh than (TKV) TKV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT và các bộ, ngành đẩy mạnh việc cấp phép mới cho cả mỏ than; chỉ đạo Bộ Tài chính về giá bán than cho điện, cho phép TKV được để lợi nhuận sau thuế để đối ứng vốn. Ông Nguyễn Tân Bình - Trưởng Ban Khoa học công nghệ – Môi trường (EVN) Hiện nay, một số nhà máy điện than đã lắp đặt bảng theo dõi các thông số phát thải môi trường của nhà máy ngay tại cổng ra vào của công ty. Đồng thời, EVN cũng chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị nhà máy xây dựng và công khai minh bạch thông tin môi trường trên website của nhà máy. Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển cần phát triển nguồn điện hài hòa, nhất là trong bối cảnh các thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Đơn cử như nguồn khí, hiện tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm. Do đó, trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. |