Tại buổi trao đổi với báo chí về tình hình tiêu thụ than của TKV năm 2018 vào chiều 28/11, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, do sự thay đổi cung cầu so với năm 2017, tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh.
Điều đó dẫn tới việc các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.
TKV khẳng định đã cung cấp đủ 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh theo hợp đồng đã ký năm 2018 (Ảnh: Internet) |
Cùng với đó, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn tùy chủng loại khiến cho các hộ tiêu thụ nhiều như điện, xi măng, hoá chất, thép... chuyển sang mua than từ TKV.
Trước tình hình trên, TKV cho biết đã huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược, khẩn trương nhập hơn 500.000 tấn than các loại để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ điện lớn. Đồng thời, TKV cũng điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai.
Kết quả là việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong 11 tháng năm 2018 của TKV đạt 26,9 triệu tấn, vượt kế hoạch cả năm (103%) và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó với nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, ông Trung cho biết, TKV đã cung cấp đủ 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh theo hợp đồng đã ký năm 2018 giữa hai doanh nghiệp, thậm chí vượt kế hoạch đã ký.
Phần tăng thêm, TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bàn bạc thống nhất và sẽ cấp thêm cho nhà máy này khoảng 30.000 tấn trong vài ngày cuối tháng 11 và 200.000 tấn than trong tháng 12. Dự kiến lượng than mà tập đoàn này cung ứng cho Nhiệt điện Quảng Ninh hơn 2,8 triệu tấn, cao hơn so với hợp đồng đã ký.
Ông Trung cũng cho rằng không có chuyện Nhiệt điện Quảng Ninh nằm trong nguy cơ dừng sản xuất do thiếu than mà "chỉ là giảm phát các tổ máy".
"Thông thường họ chạy 3 tổ máy, khi huy động cao thì chạy 4 tổ máy, vừa rồi giảm xuống còn 2. Chúng tôi đảm bảo theo hợp đồng đã ký, thậm chí còn vượt kế hoạch ký trước đó", ông Trung nói.
Cũng theo vị này, để đảm bảo an toàn nguồn, ngoài cung cấp than hàng ngày thì nhà máy đề nghị TKV tăng cung cấp để đảm bảo dự trữ tồn kho tại các nhà máy. Tuy nhiên, trong các cuộc họp giữa tháng 11/2018 dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất, song không đảm bảo cho các nhà máy tăng lượng dự trữ tồn kho, tăng sản lượng điện theo nhu cầu.
Ngoài ra, một trong những trở ngại được ông Trung nêu, hiện nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những nhà máy của EVN chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than.
Mới đây, trong một công văn gửi lên Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết một thực trạng đáng báo động đó là nhiên liệu than cho sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng đang thiếu hụt trầm trọng.
Cụ thể như Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ 1 ngày vận hành), Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng còn 66.785 tấn (khoảng 5 ngày vận hành).
Thậm chí, tại Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cho biết do thiếu than trầm trọng, 2 trong 4 tổ máy của nhà máy phải dừng hoạt động từ ngày 17/11/2018. Điều này đồng nghĩa với việc “mất” khoảng 10 triệu kWh/ngày.
Lê Thúy