Tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13/12, ông Nghĩa phản biện về thông tin người chết yểu do nhiệt điện than được công bố theo nghiên cứu của trường Đại học Havard, mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu, tới năm 2030 khi nhiệt điện than đạt 300 tỷ kWh thì số người chết yểu sẽ là 17.500 người.
"Thông tin này khiến cộng đồng dân cư khiếp sợ nhiệt điện than. Tuy nhiên, thực tế có phải vậy không? Phải khẳng định đây là chỉ sự suy diễn không có cơ sở khoa học", ông Nghĩa khẳng định.
Ts. Trương Duy Nghĩa |
Ông Nghĩa đặt vấn đề: Sao Đại học Havard không cảnh báo ngay cho nước Mỹ - có sản lượng nhiệt điện than gấp cả trăm lần nhiệt điện than Việt Nam. Cũng như vậy, với Úc có nhiệt điện than gấp 22 lần, nước Đức gấp 15 lần, Hàn Quốc gấp 12 lần và đặc biệt là Trung Quốc gấp 185 lần.
"Ở Việt Nam, ngành y tế đã thống kê được bao nhiêu người chết vì nhiệt điện than?", ông Nghĩa nêu vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng.
Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.
Theo ông Hưng, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển cần phát triển nguồn điện hài hòa, nhất là trong bối cảnh các thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Đơn cử như nguồn khí, hiện tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm.
Do đó, trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thy Lê