Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sáng 7/11, một loạt câu hỏi liên quan đến các dự án nhà máy điện chậm tiến độ như Long Phú, Thái Bình 2, Bạc Liêu… được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra cho tư lệnh ngành công thương và chất vấn về trách nhiệm đối với nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.
Đại biểu “sốt ruột” với các dự án điện
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) chất vấn về sự chậm trễ của dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) Bạc Liêu. Theo đại biểu, dự án được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước, đến nay tròn 12 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương nhưng vẫn chưa triển khai.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã 2 lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất gửi Chính phủ vào cuối tháng 10. Sau khi có ý kiến tổng hợp theo hướng dẫn của Thường vụ Quốc hội về luật pháp, Chính phủ sẽ xem xét bổ sung vào quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới.
Bộ trưởng cho biết bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án, bởi trên thực tế Việt Nam đang thiếu điện và đang rất cần những trung tâm điện như vậy. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay không thể nói được là thời điểm nào triển khai vì cần phải đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến, sau đó sẽ triển khai theo đúng quy định.
“Hy vọng sẽ sớm được thực hiện việc này vào đầu năm 2020, theo hiểu biết của tôi”, ông Tuấn Anh nói.
Các đại biểu sau đó vẫn tranh luận gay gắt về dự án này và cho rằng chậm là do Bộ Công Thương không tích cực.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Tp.HCM) khẳng định hoàn toàn đủ điều kiện để sớm bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VII ngay trong năm nay chứ không cần kéo dài. “Tôi nghĩ Thủ tướng cũng đang chờ việc này trình lên”, ông Nghĩa nói.
Bổ sung sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhà đầu tư đề nghị xây dựng dự án với tổng công suất 3.200 MW nhưng Bộ Công Thương mới trình bổ sung 800 MW, nên khó khăn trong lập quy hoạch tổng thể cảng, kho khí.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét kỹ, bổ sung quy hoạch tổng thể cụm điện khí này. “Khí có thể bổ sung từng giai đoạn, nhưng cảng, kho phải làm trước”, Phó Thủ tướng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) tranh luận về dự án điện Long Phú đã thất bại và có khả năng Nhà nước có thể mất trăm triệu USD và bị kiện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết tiến độ của dự án đã đạt được khoảng 77,5%. Tuy nhiên, gần đây Tổng thầu PM của Nga bị Chính phủ Mỹ cấm vận và không cho phép tham gia thực hiện các hoạt động giao dịch quốc tế, trong đó có những hoạt động sử dụng đồng USD cũng như các hoạt động liên quan đến các nhà thầu của Mỹ.
“Do đó, năng lực nhà thầu không đủ điều kiện thực hiện dự án, chúng ta đang tính đến những phương án có thể tiếp quản lại dự án và có thể có Tổng thầu mới hoặc của trong nước hoặc đối tác khác để chúng ta thực hiện. Nhưng đây là vấn đề phức tạp”, Bộ trưởng nói và cho biết Bộ đang phối hợp với ngành liên quan làm việc với Chính phủ Nga để giải quyết vấn đề.
Nhiều dự án điện chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến cung cấp điện năng |
Khó giải tỏa công suất điện mặt trời
Một số đại biểu quan tâm đến việc không giải toả hết công suất của điện mặt trời.
Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) đặt vấn đề: “Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1.200 MW tới năm 2030 đã bị phá vỡ vì công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu? Hiện, 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận khi lập Quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã “không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời. Thời điểm đó, công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời không đủ để tạo đột biến”. Đồng thời cho biết đang phối hợp các bộ ngành thẩm định để thực hiện tổ chức đầu thầu cho các dự án điện mặt trời.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Lưu Mai – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng Bộ trưởng Bộ Công Thương cần cân nhắc tính khả thi khi nói năm 2020 sẽ giải toả hết công suất nhà máy điện mặt trời. Bà Mai dẫn 4 lý do: thời gian thực hiện còn một năm; cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa kể quy trình đầu tư theo pháp luật đầu tư công mất thời gian; nguồn lực đầu tư chưa rõ ràng và số lượng dự án còn khá lớn.
“Giờ mới giải toả được 30%, nghĩa là còn 70% công suất nữa, mà Bộ trưởng nói hy vọng trong một năm giải toả hết công suất. Tôi nghĩ khi đưa ra một thông điệp cần đảm bảo tính chắc chắn”, bà Mai nói.
Việc Bộ Công Thương ủng hộ Tập đoàn Trung Nam đầu tư đường dây 500 kV, theo bà Mai, cần cân nhắc “vì trái pháp luật – Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Điện lực”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần &Tuấn Anh vẫn khẳng định “còn điều kiện để vận dụng pháp luật và có thể tách phần đầu tư các công trình truyền tải điện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác đầu tư”. Về lâu dài, có thể đề xuất sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực để cho phép đa dạng hoá đầu tư hệ thống truyền tải điện.
“Đề xuất nhà đầu tư tư nhân làm đường dây 500 kV theo hình thức là hệ thống đường dây phục vụ phương án đấu nối của dự án với hệ thống điện quốc gia, chứ không vượt luật”, Bộ trưởng khẳng định.
Bổ sung sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận dù ngành điện đã đáp ứng đủ điện trong năm qua, nhưng việc phát triển điện năng gặp nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì nguy cơ thiếu điện là hiện hữu.
Phó Thủ tướng chỉ ra những khó khăn như cơ cấu nguồn điện thay đổi nhanh so với quy hoạch; nhu cầu vốn đầu tư lớn, mỗi năm cần tới 3 tỷ USD cho lưới điện và 9 tỷ USD cho nguồn điện; đầu tư nguồn và truyền tải điện còn mất cân đối, hạn chế giải tỏa công suất; nguyên nhiên liệu cho các nhà máy điện than, khí khó khăn…
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2, đẩy nhanh các dự án đã xong thủ tục đầu tư như Nhiệt điện Quảng Trạch, Nhơn Trạch, Vân Sơn…, yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung hoàn thiện báo cáo dự án điện Bạc Liêu.
Thanh Hoa
Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân Bộ Công Thương cần huy động các giải pháp để tăng cường hệ thống truyền tải, huy động nguồn xã hội hóa, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào 2023 và nghiên cứu về biểu giá bán lẻ điện, xử lý những tồn tại của dự án điện trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện. Đại biểu Đoàn Hải Phòng - Lê Thanh Vân Bộ Công Thương cho rằng dự án Nhà máy điện khí LNG chậm vì vướng Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định dự án này không vướng Luật Quy hoạch. Bộ KH&ĐT, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cơ quan chủ trì, thẩm tra Luật cũng nói tương tự. Như vậy là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư. Đây là dự án kỳ vọng thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được Đảng và Quốc hội rất quan tâm nhưng Bộ Công Thương không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này. Đại biểu Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu - Dương Tấn Quân Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019 – 2020 và kéo dài tới 2022 – 2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam bộ là rất lớn. Ngoài ra, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào năm 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào năm 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam bộ. |