Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam ngày 21/8, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần nghĩ đến một loại hình năng lượng chưa gì thay thế được, đó là điện hạt nhân.
Trước đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được đưa ra gồm 2 nhà máy 1 và 2, với tổng công suất trên 4.000 MW, tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện xây dựng nhà máy này vì lý do kinh tế.
Nguy cơ thiếu điện trầm trọng
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến năm 2035 là 506 tỷ kWh. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 (trong khi có thời điểm trước đây tăng trưởng tới hơn 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình là 11%), song nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.
Tính đến nay, công suất nguồn điện Việt Nam có khoảng 54.000 MW bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000 MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000 MW.
“Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài…”, ông Vượng cho biết.
Trên thực tế, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao, gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành. Ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng đủ năng lượng.
Trong bối cảnh căng thẳng nguồn điện, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nêu quan điểm: “Dù đã dừng dự án điện hạt nhân nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa tìm ra công nghệ nào có thể thay thế điện hạt nhân khi nguồn năng lượng truyền thống đã cạn. Việt Nam đã phải nhập than, sắp tới phải nhập khí hóa lỏng; nhiệt điện có vấn đề do người dân phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm; thủy điện đã hết các nguồn vừa và lớn, cùng lắm còn vài dự án nhỏ; điện tái tạo tuy dồi dào nhưng hiệu quả thấp, không ổn định”.
Về lâu dài, ông Quân cho rằng Việt Nam phải nghĩ đến điện hạt nhân. Vì lý do trước mắt có thể đã phải dừng nhưng về lâu dài, một ngày nào đó, Việt Nam vẫn phải làm điện hạt nhân.
“Nhật Bản từng đóng cửa nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa sóng thần nhưng một ngày nào đó, tôi nghĩ Nhật Bản sẽ phải trở lại phát triển điện hạt nhân, tất nhiên là với mức độ an toàn và hiệu quả hơn. Việt Nam cũng vậy, chúng ta vẫn phải chuẩn bị phương án cho phát triển điện hạt nhân”, ông Quân nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên có ý kiến đề xuất cân nhắc khởi động lại các dự án điện hạt nhân. Trước đó, trong một văn bản gửi Thủ tướng, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị xem xét lại và sớm có chủ trương tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục đưa điện hạt nhân vào trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới thay thế Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng Quy hoạch điện VIII.
Các chuyên gia này cho rằng Việt Nam – quốc gia gần 100 triệu dân với nền kinh tế đang thời kỳ phát triển mạnh, nhu cầu năng lượng còn tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp phong phú nhưng hữu hạn, không còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện và phải nhập khẩu than, khí hóa lỏng với sản lượng ngày càng tăng.
Do vậy, để góp phần giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển điện hạt nhân, trước mắt là tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân |
Giải pháp lâu dài
Trước đề xuất trên, PGs.Ts. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng đã tới lúc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu và đề xuất khởi động lại dự án điện hạt nhân, bởi “không có điện mới chết”.
Tuy nhiên, chắc chắn việc khởi động lại dự án điện hạt nhân còn phải cân nhắc rất nhiều, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Quân cũng thừa nhận đến thời điểm này chưa có cơ sở nào để Việt Nam “làm điện hạt nhân an toàn và bền vững, vì thiếu cả nhân lực lẫn nguồn lực”.
Do vậy, Việt Nam cần sớm xây dựng trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ, thay cho lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt. Đây sẽ là nơi đào tạo cán bộ ngành hạt nhân cho Việt Nam. Đồng thời, việc đào tạo nhân lực ngành điện hạt nhân cũng không nên dừng lại, dù chưa có địa chỉ làm việc. Riêng chuyên gia an toàn về điện hạt nhân nên có chương trình đào tạo riêng.
Ở góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay điện hạt nhân là vấn đề lớn của đất nước. Ban Kinh tế Trung ương đang chỉ đạo có nghiên cứu để tham mưu với Đảng, Chính phủ có chính sách phù hợp với sự phát triển năng lượng nói chung, trong đó có điện hạt nhân với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng đất nước và giải quyết nhiều vấn đề khác mà xã hội quan tâm.
Mặt khác, việc khôi phục dự án điện hạt nhân là giải pháp lâu dài, trước mắt cần phải tính tới giải pháp giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Theo PGs.Ts. Trần Đình Thiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể thu hút phải nguồn vốn chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nguồn năng lượng tái tạo phát triển khá mạnh nhưng do không có đường truyền tải nên “lãng phí một mớ”…
Vì vậy, ông Thiên cho rằng đây là thời cơ để tư duy lại chiến lược về phát triển năng lượng, một nội dung căn bản cần tiếp cận là xoay chuyển tư duy bắt đầu từ tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chứ không phải sản xuất năng lượng.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Riêng về điện hạt nhân, Việt Nam có thể mời các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng vận hành phải là người Việt Nam. Tuyệt đối, đừng bao giờ để nước ngoài làm theo phương thức “chìa khóa trao tay” vì việc này cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, đặc biệt là trong thời đại số, cá nhân/tổ chức có thể điều khiển nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí từ ngoài không gian. Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ đảm nhận trọng trách điều hành, cung ứng đủ năng lượng cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước. Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và và cung ứng các dạng năng lượng. Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Tiền điện luôn chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến vấn đề tiết kiệm điện. Hiện, ngành công nghiệp chiếm tới 47,3% tổng sản lượng điện cả nước và nhu cầu của khối này vẫn đang không ngừng tăng. Nhu cầu sử dụng năng lượng giai đoạn 2011-2018 tăng trưởng nóng 10,6%, dù chậm hơn giai đoạn 2011-2010 nhưng vẫn là tốc độ nhanh. |