Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy trong tháng 3/2018, giá rau củ tại một số tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Bắc giảm mạnh.
Cụ thể, tại Lâm Đồng và một số tỉnh miền Bắc, giá khoai tây chỉ còn 10.000 – 11.000 đồng/kg (loại 1), hành tây còn 3.000 đồng/kg (giảm 4 lần so với trước Tết); cà rốt giảm đến 5.000 đồng/kg, từ 25.900 đồng xuống còn 20.900 đồng/kg; bắp cải trắng từ 11.500 còn 9.500 đồng/kg.
Đặc biệt, giá củ cải và su hào tại một số tỉnh miền Bắc chỉ ở mức 1.000 – 1.200 đồng/kg. Nhiều nơi, nông dân phải nhổ bỏ do giá thấp, không có người thu mua.
Rau quả nội rớt giá
Dẫn đến trong tháng 3, nhiều địa phương phải tổ chức “giải cứu”, như “giải cứu” su hào (Hải Dương), củ cải (Mê Linh – Hà Nội), khoai tây (Lạng Sơn).
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, rau củ quả ngoại vẫn ùn ùn vào Việt Nam. Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 3/2018 đạt 92 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 340 triệu USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 76 triệu USD, tăng 36,7%; mặt hàng quả đạt 258 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 45% thị phần), Trung Quốc (chiếm 19,9%).
Trong 2 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, ngoại trừ Myanmar (-25,3%), Ấn Độ (-11,6%) và New Zealand (-8,2%). Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Australia (3,9 lần), Mỹ (2,2 lần) và Hàn Quốc (2,1 lần).
Dù giá rẻ hơn nhiều so với rau ngoại nhưng chỉ khi được “giải cứu” mới tiêu thụ được. Câu hỏi đặt ra là vì sao rau củ trong nước vẫn chưa tiếp cận được với chính người dùng Việt Nam?
Người dân đã phải nhổ bỏ củ cải vì không bán được
Sản xuất phải theo chuỗi
Đại diện UBND Tp.Hà Nội cho rằng nguyên nhân là vì giá cả các sản phẩm nông sản không ổn định, việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, còn tình trạng sản xuất ồ ạt, chưa đúng quy hoạch dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”.
Phát triển sản xuất tiêu thụ chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp là một tất yếu. Để đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều chuyên gia đề nghị Tp. Hà Nội thực hiện tốt một số giải pháp như: Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, sản xuất theo hướng hữu cơ.
“Xác định sản phẩm cần xây dựng chuỗi là những sản phẩm có đặc trưng riêng, có tiềm năng phát triển, ưu tiên sản phẩm của các vùng chăn nuôi tập trung, sản lượng lớn, các sản phẩm đặc sản của địa phương”, một chuyên gia phân tích.
Thêm vào đó, lựa chọn được doanh nghiệp làm đầu tàu cho các chuỗi. Doanh nghiệp làm ăn chân chính, có khả năng đầu tư lâu dài, có tư duy về xây dựng chuỗi liên kết và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ sản xuất.
Để giải quyết bài toán thị trường đầu ra cho nông sản, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với DN, HTX và người dân.
Các lĩnh vực cần tổ chức theo mô hình HTX, từ đó điều phối được thị trường. Bởi người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Thông qua các HTX này, người dân sẽ có được thông tin thị trường cần gì, cần bao nhiêu, để từ đó tổ chức sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cần định hướng lại sản xuất, tránh tình trạng dồn ứ sản phẩm cục bộ, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thông tin rõ về nhu cầu thị trường để người dân biết và có hướng sản xuất phù hợp.
Bên cạnh đó, nhận thức rõ hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giữa DN với người dân là cần thiết và lâu dài, vào siêu thị phải đúng mẫu mã, chất lượng, tem nhãn nhận diện sản phẩm.
Ông Toản cho biết Cục sẽ phối hợp với các Sở NN&PTNT giới thiệu một số DN đầu tư chế biến dây chuyền sấy khô, nhưng phải đa dạng hóa sản phẩm khác, nếu chỉ có mỗi sản phẩm thì sẽ thất bại.
Thy Lê