Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2018 đến nay, người nông dân tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phải chứng kiến cảnh trớ trêu: Sản phẩm nông nghiệp “một nắng hai sương” do mình làm ra bị mất giá, dẫn tới ế ẩm.
Tại huyện Anh Sơn, tuy là thời điểm chính vụ thu hoạch cà xanh, nhưng do giá cà xanh rớt thê thảm khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Điệp khúc muôn đời cũ
Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng ban Nông nghiệp xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn), cho biết: “Toàn xã có hơn 10ha cà xanh, nhiều hộ đầu tư làm từ 4 - 5 sào. Năm nay, diện tích mở rộng hơn mọi năm, năng suất cà xanh cao, nhưng lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá khiến bà con lỗ vốn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cà xanh các năm trước dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, lúc cao điểm giá 25.000 đồng/kg. Năm nay, lúc cao nhất 2.000 - 3.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ 1.000đồng/kg khiến người nông dân tại các xã trồng cà xanh như Cẩm Sơn, Tường Sơn, Thạch Sơn… đang đứng trước thực tế cần phải “giải cứu”.
Tại huyện miền biển Diễn Châu, nông dân xã Diễn Lộc cũng đang “khóc dở, mếu dở” vì hơn 12ha dưa chuột đang vào vụ thu hoạch, nhưng giá xuống thấp so với mọi năm và đầu vụ. Cách đây chừng 1 tháng, giá dưa chuột dao động 7.000 -10.000 đồng/kg, nhưng vào chính vụ thu hoạch, giá dưa giảm chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ, do ít người thu mua.
Thấy giá dưa thấp, lại khó bán, những ngày vừa qua, đoàn viên thanh niên huyện Diễn Châu cùng các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện đã vào cuộc để “giải cứu” dưa chuột cho bà con.
Nhiều diện tích dưa chuột đã được đoàn viên thanh niên giúp bà con thu hoạch và tiêu thụ bằng cách vận chuyển dưa đến các địa điểm để bán lẻ (ra các tỉnh phía Bắc, vào Nam).
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, cho hay: “Toàn huyện trồng 30 ha dưa chuột, tập trung tại các xã Diễn Lộc, Diễn An. Đây là vụ dưa đạt năng suất cao, gần 2 tấn/sào, chất lượng an toàn nhưng khó tiêu thụ bởi hiện tại, các vùng rau phía Bắc cũng đang tập trung thu hoạch dưa chuột, dẫn đến việc hàng miền Trung bị tồn nhiều”.
Theo Phó Giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập, câu chuyện được mùa mất giá dẫn tới phải “giải cứu” là vấn đề rất cũ. Nguyên nhân phải “giải cứu” nông sản một phần là do sản xuất theo kiểu phong trào, thiếu định hướng của chính quyền.
Sở đã từng nhắc nhở các địa phương cần chú ý đến những sản phẩm đặc thù hàng hóa thì phải định hướng, tuyên truyền cho người dân, có những cảnh báo về thị trường để mở rộng diện tích hay không; nắm bắt tình hình các địa phương khác để cảnh báo sớm cho người dân.
Hệ lụy mới
Hết sản phẩm nông sản này đến sản phẩm nông sản khác phải “giải cứu” - đó là câu chuyện cũ. Nhưng hàng nông sản mất giá, ế ẩm là hệ lụy mới và là một thực tế cay đắng mà người nông dân đang phải gánh chịu.
Phải thừa nhận là sản xuất kết nối chặt chẽ với thị trường là vấn đề khó đối với người nông dân. Thực tiễn đã chứng minh rằng sản xuất như thế nào, bán ở đâu và khi nào, thị trường đó yêu cầu và có quy định gì đối với sản phẩm... là những điều mà đại đa số nông dân chưa thể trả lời.
Trong khi nông dân, mà đáng buồn là cả các cấp chính quyền, đang loay hoay với bài toán ế ẩm nông sản để phải “giải cứu”, thì những thiệt hại về kinh phí bỏ ra, về công sức và thời gian chăm bón... một mình người nông dân gánh chịu hết năm này sang năm khác.
Rõ ràng, việc trồng cây gì, nuôi con gì nhất thiết phải có giải pháp tổng thể từ Nhà nước, thậm chí “cầm tay chỉ việc” của chính quyền địa phương. Như vậy, về mặt lâu dài thì phải quản lý chặt chẽ hơn, phải liên kết chặt chẽ từ khâu trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chứ không thể “thả nổi” để nông dân tự bơi.
Trong cuộc trao đổi gần đây, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập phân tích: “Những mặt hàng nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được phải nhờ đến “giải cứu” chứng tỏ việc quy hoạch sản xuất chưa được. Ở những nơi ấy, cấp chính quyền cơ sở chưa nói rõ, chưa định hướng được cho người dân thị trường tiêu thụ sản phẩm ở đâu và như thế nào”.
Cũng theo ông Lập, tất cả các mặt hàng nông sản dứt khoát phải có quy hoạch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng nhất là quản lý và phát triển quy hoạch như thế nào.
“Thực tế, việc chấp hành quy hoạch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của cơ sở chưa tốt. Các địa phương phải thấy được trách nhiệm của mình trong thực hiện quy hoạch, nắm chắc thị trường để định hướng cho người dân chứ không thể để người dân tự bơi. Trong khi đó, mối liên kết bốn nhà chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo. Cần phải chấm dứt ngay tình trạng sản xuất nông nghiệp theo phong trào thì mới bền vững”, ông Lập nhấn mạnh.
Thanh Hải