Hiện nay, do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp bị gián đoạn
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình.
Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động của các khu công nghiệp. |
Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) công nghiệp hiện nay đang gặp phải, Cục Công nghiệp cho biết, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Đồng thời, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các DN.
Theo đó, việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất. Không giống như các DN phía Bắc, phần lớn các DN phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn, nên không đủ điều kiện áp dụng phương châm này và buộc phải đóng cửa tạm thời.
Cục Công nghiệp thông tin, hiện nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể để các DN từng bước hoạt động trở lại. Điều này một phần vừa gây lãng phí thời gian và chi phí chuẩn bị để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vừa khiến DN không thể lên kế hoạch về sản xuất, nhân sự… để phục hồi sản xuất trong bối cảnh hàng nghìn lao động nhập cư đang rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp để về quê.
Dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, các DN có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp DN khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, DN sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, DN khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ, DN CNHT đều hoạt động tại các khu công nghiệp, nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn thường trực, đe dọa gián đoạn sản xuất và gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu. Vì vậy, VASI đề nghị Chính phủ xếp nhóm các DN sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin cho người lao động sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục, đóng góp cho nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.
Hiện, trước sự bùng phát căng thẳng của dịch bệnh, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra điều kiện tổ chức khu vực bố trí nơi ở tập trung của các DN vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ. Tuy vậy, đến nay, mới có 618 DN trong các khu chế xuất- khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn đăng ký hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ".
Cần hỗ trợ không chỉ trước mắt
Việc thực hiện "3 tại chỗ" cũng gây ra nhiều khó khăn cho DN. Bà Lê Nguyên Trang Nhã, Giám đốc Công ty Viking Việt Nam cho biết, việc thực hiện "3 tại chỗ" khiến chi phí của DN bị đội lên rất cao. Mỗi ngày, chi phí cho người lao động tăng lên 100.000 đồng/người, chưa kể chi phí cho xét nghiệm COVID-19, trung bình 3 ngày/lần/người. Với 150 công nhân hiện còn làm việc tại nhà xưởng, dự kiến mỗi tháng Viking sẽ tốn thêm khoảng 500 triệu đồng.
Tương tự, tại Đồng Nai, nhiều tập đoàn đa quốc gia và DN công nghiệp trong nước đang rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên rất mong muốn được ưu tiên nguồn vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm cho người lao động. Bởi có như vậy mới đảm bảo sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng cho nhiều quốc gia không bị đứt gãy.
Trước tình hình trên, Chủ tịch VASI Lê Dương Quang kiến nghị, cần thống nhất các quy tắc chống dịch COVID-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu, gây cản trở hoạt động của DN. Đồng thời, VASI kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp với quy mô nhỏ của DN CNHT dưới 1.000m2 và giảm giá thuê đất; có giải pháp dài hạn và bền vững để đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo.
Sau khi tiến hành làm việc với các hiệp hội, ngành hàng trong các ngành sản xuất và trên cơ sở báo cáo, trao đổi với lãnh đạo Bộ Công Thương, chiều 28/7, Cục Công nghiệp đã đề xuất hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong dịch COVID-19. Theo đó, Cục đề xuất Bộ Y tế sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các DN (bao gồm cả DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất, cụ thể như xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các DN.
Đối với các DN phía Nam - với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, trong đó DN sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các DN có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.
Ông Cao Quốc Hưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, DN đáp ứng tiêu chí an toàn. Ông Nguyễn Văn Bé Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM Hiện nay, chi phí phát sinh khi thực hiện phương án "vừa sản xuất vừa cách ly rất lớn" nhưng các nhà máy vẫn cố gắng duy trì, vì nếu dừng hoạt động nhà máy sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất. Do đó, về lâu dài, thành phố muốn thực hiện được mục tiêu kép cần tạo điều kiện cho DN thuê hoặc sử dụng các mặt bằng do Nhà nước quản lý để xây khu lưu trú cho công dân. Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chiến lược tiêm chủng vắc xin cần đẩy nhanh hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... để tránh đứt gãy kinh tế. Việt Nam cũng cần chuẩn bị điều kiện, lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế tương ứng với độ phủ tiêm chủng vắc xin. DN khó khăn vì dịch, doanh thu sụt giảm thì hỗ trợ hiệu quả lúc này là Nhà nước tăng chi cho đối tượng yếu thế. Như vậy, vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội, "một mũi tên trúng hai đích". |
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |