Những ngày gần đây, câu chuyện hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu đang cho thấy những bất cập. Nếu được xem là hàng hóa thiết yếu thì sẽ được cấp luồng xanh để ưu tiên vận chuyển, còn không thì loại nông sản, thực phẩm đó có khả năng sẽ bị ùn ứ.
Ách tắc vì quy định
Cuối tuần qua, nông dân miền Tây, cụ thể là người dân ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phải đổ sữa bò, trong khi người tiêu dùng trên cả nước vẫn đang lo lắng về giá cả thực phẩm tăng, khan hiếm nguồn cung. Nguyên nhân là do khâu vận chuyển không thể qua được chốt kiểm dịch do sữa bò không được xem là mặt hàng thiết yếu.
Việc vận chuyển thực phẩm, nông sản còn khó khăn do quy định thiếu thống nhất giữa các địa phương. |
Rất may, ngay sau đó, vấn đề này đã được nhanh chóng tháo gỡ. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã chỉ đạo chính quyền huyện Mỹ Xuyên tạo điều để người dân nuôi bò bán được sữa. Theo đó, người dân ở huyện Mỹ Xuyên được dùng xe tải nhỏ chở sữa bò tươi đến điểm thu mua mới tại phường 10, TP. Sóc Trăng bán cho HTX nông nghiệp Evergrowth.
Ông Nguyễn Giang Lam, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Evergrowth thông tin, việc tiêu thụ sữa bò tươi của người dân huyện Mỹ Xuyên đã trở lại bình thường khi mở điểm thu mua mới tại phường 10, TP. Sóc Trăng.
Không chỉ đồ uống, sữa, mà các sản phẩm, vật tư nông nghiệp đầu vào như giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn ở khâu vận chuyển do cách hiểu về "mặt hàng thiết yếu" khác nhau giữa các địa phương.
Mới đây, 11 hiệp hội ngành hàng công nghiệp cũng phản ánh tới Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) về những khó khăn trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) cho biết, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các DN dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho DN.
Nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của địa phương. Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó khi các địa phương áp dụng các chính sách quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu... ngày càng gây thêm khó khăn cho DN trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.
Chẳng hạn, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi mặt hàng này thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của DN.
Theo đó, các DN kiến nghị bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa... và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sữa chữa...) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và cho quá trình lưu thông.
Cần lắng nghe yêu cầu của sản xuất
Trên thực tế hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Công nghệ cao Trung An cho hay, vụ lúa Hè Thu 2021 trên các cánh đồng lớn của Công ty đã thu hoạch xong. Các cánh đồng lớn khác cũng sắp thu hoạch tại khu vực Tứ giác Long Xuyên (thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang) chiếm khoảng 30-40% nhu cầu.
Tuy nhiên, việc thiếu phương tiện, chi phí vận chuyển tăng cao khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, cước vận chuyển đường bộ từ Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) về TP.HCM là 250.000 đồng/tấn nhưng hiện đã tăng lên 1 triệu đồng/tấn.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho hay, những ngày gần đây do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên hoạt động của HTX vô cùng khó khăn. Cụ thể, hoạt động mua bán trái cây, nhất là thu gom trái cây từ xã này sang xã khác rất khó.
Theo ông Sơn, trước lúc thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày HTX thu mua, tiêu thụ từ 20-30 tấn trái cây cho nông dân. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội, nông dân không thể đem trái cây đến bán và HTX đi thu mua khó khăn nên đến nay đã tạm nghỉ.
Trước tình hình trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, thực tế việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu không có gì quá phức tạp, những gì gắn với sản xuất là phải được lưu thông để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, quan trọng là phải lắng nghe yêu cầu của sản xuất, nhu cầu của người dân thay vì bảo rằng thức ăn chăn nuôi, phân bón hay bánh mì không phải là hàng thiết yếu theo ý nghĩ chủ quan.
"Nếu thiếu cây - con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thì bà con làm sao duy trì được sản xuất", ông Tiến nêu vấn đề.
Theo đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp chế biến nông sản, vì việc duy trì sản xuất lúc này rất quan trọng để đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đồng thời, sau hàng loạt những kiến nghị, giải pháp của Bộ NN&PTNT, hệ thống luồng xanh đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, báo cáo của các địa phương cho thấy một số chốt vẫn quy định khác nhau, ảnh hưởng đến luồng xanh vận chuyển nông sản từ các tỉnh về TP.HCM, thậm chí trong nội bộ các tỉnh cũng có.
Do vậy, để đảm bảo việc thông thương hàng hóa giữa các địa phương, việc đầu tiên là cần thống nhất về quy định cách làm, cách hiểu để không gây đứt gãy sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |