Theo phản ánh từ một số siêu thị trên địa bàn TP.Hà Nội, hiện đơn đặt hàng của các hệ thống này tăng từ 3-5 lần so với thời điểm trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 24/7.
Đơn hàng tăng nhưng doanh nghiệp lại khó
Ghi nhận của hệ thống siêu thị Aeon tại Hà Nội cho thấy lượng đơn hàng mua qua các kênh online tăng mạnh. Phía VinMart và VinMart+ cũng cho biết, lượng khách đặt hàng online, dịch vụ đi chợ hộ hay qua các ứng dụng điện tử tăng 2,5 lần so với những ngày chưa giãn cách xã hội.
Việc thiếu nhân viên vận chuyển đang khiến khâu giao hàng cuối cùng tới người tiêu dùng gặp khó. |
Đơn hàng tăng nhưng các siêu thị cũng đang "đứng ngồi không yên" khi không có nhân viên giao hàng. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, đơn hàng online của DN này tăng gấp 5 lần. "Chúng tôi khá sốt ruột bởi từ cuối tuần trước, BRG Mart đã gửi danh sách đăng ký đội ngũ nhân viên vận chuyển hàng về Sở Công Thương Hà Nội và Sở GTVT nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi", ông Dũng nói.
Chị Minh Thu (Phạm Văn Đồng, TP.Hà Nội) chia sẻ chị đặt đơn hàng thực phẩm từ 2 hôm nay nhưng vẫn chưa được giao hàng, cửa hàng thực phẩm có phản hồi lại rằng họ đang quá tải đơn online trong khi shipper không có.
Được biết, ở TP.HCM, nhiều siêu thị, cửa hàng và các cá nhân đã thông báo tạm ngừng bán hàng online, qua điện thoại vì không có người giao hàng.
Về phía các sàn thương mại điện tử (TMĐT), dù có nhiều kinh nghiệm nhưng các DN này cũng gặp khó khăn. Đại diện Sendo cho hay khi triển khai Chương trình “Đi chợ tại nhà”, các đơn vị cung ứng, vận tải có gặp một số điểm hạn chế trong việc giao vận như một số kho bãi nằm trong khu vực phong tỏa hay việc gia tăng đột biến nhu cầu cho một số loại hàng hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
"Trước tình hình đó, chúng tôi đã phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề này thông qua cách làm việc chặt chẽ với nhiều đơn vị cung ứng khác nhau, đảm bảo có nguồn hàng thay thế khi cần" Đại diện Sendo nói. Đồng thời cho biết thêm, Sendo cũng liên tục tiếp nhận góp ý của khách hàng để điều chỉnh, thay đổi nhà cung ứng, giải tỏa lo ngại cho khách hàng.
Để giảm thiểu tình trạng trên, gần đây nhất, Sendo chuyển sang bán hàng rau củ theo combo để giúp khách hàng đặt một đơn mà có đủ các mặt hàng cần thiết còn các đối tác cung ứng cũng chủ động hơn về việc đóng gói, giao vận.
Với nhiều kinh nghiệm trong khâu logistics, theo đại diện Sàn TMĐT Voso (Tổng công ty Bưu chính Viettel Post): “Nông sản là mặt hàng đặc thù, do khâu bảo quản và vận chuyển khắt khe hơn các mặt hàng thông thường. Để đảm bảo được độ tươi ngon, cần vận chuyển bằng xe lạnh, thời gian giao tối đa không quá 2 ngày mới có thể giữ được chất lượng tốt nhất của sản phẩm. Để đảm bảo được các tiêu chuẩn đó, chúng tôi đã đầu tư thêm xe lạnh và tăng tần suất chuyến tại các điểm đầu nối.
Tuy nhiên, đại diện Voso cho hay việc giao hàng chặng cuối - tới tay người tiêu dùng vẫn có khó khăn nhất định khi một số khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội. Vì vậy, có thể sẽ có những đơn hàng giao chậm hơn thông thường.
"Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, chúng tôi sẵn sàng đổi 1-1 với những đơn hàng giao có dấu hiệu hư hỏng, không đạt chất lượng cam kết”, Voso cho biết.
Cần nhanh chóng tháo gỡ
Trước phản ánh của DN, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các DN được cấp thẻ vận chuyển. Danh sách này được Sở Công Thương Hà Nội gửi Sở GTVT đề nghị xem xét, chấp thuận sớm nhất, cho phép các DN phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm được vận chuyển bằng xe máy cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các điểm cung ứng, khu dân cư phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố...
Theo đó, để được hoạt động, các DN bán lẻ, cửa hàng thực phẩm... phải gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở Công Thương Hà Nội xác nhận và chuyển cho Sở GTVT Hà Nội cấp “mã xác nhận” cho phép shipper vận chuyển hàng hóa.
Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết đã có văn bản kiến nghị với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đề xuất phương án cung ứng hàng hóa cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam về việc tạo điều kiện cho các Sàn TMĐT và đơn vị vận chuyển phân phối hàng hóa thiết yếu. Đề xuất xây dựng cơ chế hoặc các chính sách cụ thể cho TMĐT để có thể phát huy tối đa lợi thế phương thức này; cần có chỉ đạo cụ thể về một điểm tập trung nhận hàng để đảm bảo việc giao vận và quy tắc an toàn phòng chống dịch.
Đồng thời, Cục TMĐT và Kinh tế số đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CP của Chính phủ, trong đó có đề cập tới nội dung khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các trang TMĐT uy tín, đồng thời đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở ngành địa phương như Sở GTVT, Sở Y tế… xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận TMĐT ở các tỉnh, thành phố nói trên báo cáo UBND các tỉnh, thành phố. Trong trường hợp cần thiết, xây dựng thiết lập “Điểm tập kết hàng hóa” cho TMĐT ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa.
Thời gian qua, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa TMĐT hoạt động (khác với hình thức vận chuyển người và shipper công nghệ) đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, khiến nhu cầu của người dân tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng cao.
"Với việc xây dựng tổ chức phương án trên, một mặt cơ quan địa phương vẫn quản lý được nhân viên giao nhận TMĐT thông qua các Sàn TMĐT và các Công ty giao nhận TMĐT đăng ký, mặt khác đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của của người dân, hạn chế việc người dân ra đường và giảm áp lực đối với hệ thống phân phối truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh", Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết.
Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, để giải quyết nhanh chóng "điểm nghẽn" vừa duy trì đội ngũ nhân viên giao hàng, vừa đảm bảo phòng chống dịch thì việc hỗ trợ tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cho các đối tượng này cần phải nhanh chóng thực hiện. Những người tham gia dọc chuỗi logistics là tuyến đầu phát triển kinh tế nên được ưu tiên tiêm sớm.
Bên cạnh đó, tại Sách trắng TMĐT 2021 khi so sánh tần suất đặt hàng trên mạng của người mua hàng trực tuyến năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 đã cho thấy, có 26% người dùng cho biết có mua hàng trực tuyến nhiều hơn khi dịch COVID-19 xảy ra.
Tuy nhiên, những khó khăn và trở ngại khi mua sắm trên mạng trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vẫn còn là cản trở lớn khi 60% người dùng cho biết, sản phẩm hết hàng, 48% phản ánh giá đắt so với thời gian không có dịch bệnh, 33% phản ánh cách thức đặt hàng trực tuyến quá rắc rối và 47% cho biết hàng hóa không đúng với quảng cáo.
Lê Thúy