Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Emtopia Việt Nam - doanh nghiệp (DN) cung cấp thiết kế ô tô, chi tiết máy, linh kiện, đồ gá... cho biết, khó khăn lớn nhất mà DN này đang gặp phải là nhập khẩu linh phụ kiện rất khó khăn. Hàng hóa bị "delay" cả tuần, thậm chí cả tháng vì COVID-19, kéo theo chi phí bị đội lên rất lớn.
'Hy sinh' tăng trưởng để chống dịch
Những tưởng "vận đen" đã hết đeo bám, nhiều công ty du lịch đang bước vào một mùa du lịch kích cầu chưa từng có để thu hút khách trong nước. Tuy nhiên, thông tin phát hiện ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng ở TP. Đà Nẵng giống như tin "sét đánh" với nhiều công ty du lịch. Điều này đồng nghĩa thị trường du lịch Đà Nẵng tiếp tục "ngủ đông", doanh nghiệp du lịch thất thu.
Thị trường du lịch Đà Nẵng tiếp tục "ngủ đông" (Ảnh: TL) |
Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế năm 2020. Kịch bản cơ sở (khả năng cao) là tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%; kịch bản bất lợi (khả năng thấp) là tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.
Trước nguy cơ dịch COVID-19 quay trở lại, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, dự báo: khả năng tăng trưởng GDP năm nay đi theo kịch bản bất lợi là chỉ tăng trưởng ở mức 2,2%.
Tuy nhiên, ông Thế Anh nhìn nhận: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ quay trở lại, con số tăng trưởng GDP không còn cần thiết, không có ý nghĩa vì đây là nguyên nhân khách quan. Chúng ta không biết bao giờ dịch mới được kiểm soát, không biết bao giờ tìm ra được vắc xin trị virus này".
Vì vậy, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng giải pháp cần thiết lúc này là Chính phủ giữ vững quyết tâm "chống dịch như chống giặc", ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng. Đặc biệt, Chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ DN duy trì hoạt động, tránh phá sản, thông qua tiếp tục cải cách thể chế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về các giải pháp hỗ trợ vừa qua, ông Thế Anh cho rằng những giải pháp này chưa thiết thực trên thực tế. DN cần những hỗ trợ mang tính chi phí hơn là hỗ trợ mang tính lợi nhuận. Ví dụ hỗ trợ về hoãn, giãn thuế là chấp nhận được nhưng chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN thì cần xem lại.
Đặc biệt, Việt Nam cần phải ưu tiên hỗ trợ người lao động duy trì cuộc sống tối thiểu. "Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, khuyến khích DN quay về thị trường nội địa. Tuy nhiên, người dân trong nước không có tiền do bị mất việc làm. Vậy thử hỏi làm sao họ có tiền để gia tăng mua sắm, chi tiêu?", ông Thế Anh đặt vấn đề.
Còn theo TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, việc kiềm chế dịch COVID-19 có ý nghĩa quan trọng để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
Ông Thịnh nhấn mạnh: Trong tất cả giải pháp để khôi phục nền kinh tế, giải pháp đầu tiên là tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, từ đó giúp DN yên tâm sản xuất kinh doanh. Thực sự không may khi vừa qua Đà Nẵng, Quảng Nam phát hiện trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân lây nhiễm. Điều đó không chỉ tác động tới hoạt động của các địa phương này mà đang ảnh hưởng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước, nhất là hoạt động du lịch.
"Tôi hy vọng rằng đây sẽ là bài học để cho các địa phương khác đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, có như vậy các DN mới yên tâm sản xuất, tìm cách hồi phục", ông Thịnh nói.
Giai đoạn tới rất khó khăn
Về phần DN, ông Thịnh cho rằng khó khăn sẽ ngày càng chồng chất, đòi hỏi mỗi DN cần phải đẩy mạnh tái cấu trúc, tìm mọi giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, DN không nên quay đầu với người lao động, thay vào đó nên hỗ trợ họ, giữ được lực lượng lao động tinh nhuệ, chờ thời cơ phục hồi.
Về phía Chính phủ, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, lúc này mục tiêu tăng trưởng GDP không còn quá quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Khi chúng ta xác định ngăn chặn đại dịch, mục tiêu chính được đặt lên trên hết là đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. "Hy vọng tăng trưởng cao cũng không giải quyết vấn đề gì khi DN phá sản, người lao động khốn khó. Hơn nữa, dựa vào đâu để tăng trưởng vẫn là câu hỏi quá khó khăn khi nhiều DN XK Việt Nam phụ thuộc vào tình hình chống dịch COVID-19 của các thị trường lớn như Mỹ, EU; khu vực dịch vụ khốn khổ vì dịch bệnh...", ông Thịnh chia sẻ.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), việc phát triển nhanh, sáng tạo các mặt hàng phục vụ nhu cầu phòng chống đại dịch COVID-19 chủ yếu là khẩu trang, quần áo đã giúp Vinatex vượt qua 6 tháng đầu năm với kết quả đáng khích lệ so với mức độ suy giảm của thị trường.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn sẽ tăng lên rất nhiều lần. Đó là thị trường sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân) nói chung đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Dịch bệnh trên thế giới có giảm tốc nhưng chưa chấm dứt và cũng không ai có thể đưa ra dự báo về thời điểm các hoạt động xã hội sẽ trở lại bình thường.
Vinatex cho biết, hành vi tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể. Các khảo sát gần đây trên cả thị trường quốc tế (do Deloitte thực hiện) và trong nước (do Vinatex thực hiện) đều cho chung một nhận định: ưu tiên về dược phẩm, thực phẩm và gửi tiền tiết kiệm là những ưu tiên hàng đầu của mọi người. Quần áo tuy vẫn có vị trí thứ 4 trong danh mục ưu tiên nhưng sau tiết kiệm, do đó ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi,… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác, thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Chính vì vậy, DN Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi. Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM Mọi dự đoán về con số tăng trưởng cụ thể không thể quan trọng bằng việc nền kinh tế có lấy lại được các động lực phục hồi kinh tế cũng như giải quyết được các vấn đề tiếp theo hay không. Phải đợi đến hết quý III thì chúng ta mới có đầy đủ những số liệu đầu vào để đánh giá được triển vọng kinh tế của cả năm. Ông Lê Tiến Trường Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trong 12 tháng tới đây sẽ là cuộc thử lửa khốc liệt đối với các DN, trong đó có các DN dệt may. Vượt qua được 12 tháng tới, chúng ta mới có cơ hội để tiếp tục phục hồi và phát triển, đồng thời cũng là sự khẳng định năng lực của các DN còn tồn tại. Tỉnh táo - Sáng tạo - Đoàn kết - Phản ứng nhanh sẽ là chìa khóa thành công. Không có lời giải chung cho các DN, mà mỗi DN sẽ cần có lời giải của riêng mình, phù hợp với mình để từng bước vượt khó khăn. Ông Nguyễn Minh Cường Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam cần xác định mình đang ở đâu, trong giai đoạn phục hồi hay vẫn đang trong giai đoạn chống chịu với COVID-19 thì sẽ định hình chính sách phù hợp hơn. Nếu chúng ta gắn với quan điểm kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong ICU - “tình trạng cấp cứu” thì chính sách tài khóa cần tập trung vào cứu trợ khẩn cấp, phục hồi kinh tế ngay lập tức. |
Lê Thúy