Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 1,81% so cùng kỳ, là mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Củng cố sức mạnh nội lực
Riêng quý II/2020, nền kinh tế không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm nhưng GDP ước tính chỉ tăng trưởng 0,36% so cùng kỳ, thấp nhất trong gần 30 năm qua và cũng ở dưới mức kịch bản thấp nhất mà Tổng cục Thống kê dự báo.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm được xem là "phép thử" đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam (Ảnh: TL) |
Trước kết quả u ám trên, một câu hỏi đặt ra lúc này là trong 6 tháng cuối năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải dựa vào đâu để bứt tốc? Quan sát từ góc độ người làm thống kê, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng Việt Nam cần tập trung vào những ngành có sức lan tỏa giá trị gia tăng cao, đồng thời giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
"Nhìn từ phía cung, phải dựa vào nội lực từ sản xuất. Lựa chọn một số ngành có thể khai thác lợi thế về lao động, tài nguyên của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày. Nhìn về phía cầu, rõ ràng nếu sử dụng những ngành có khai thác nguyên liệu đầu vào sẽ kích thích tiêu dùng trung gian sử dụng cho sản xuất", bà phân tích.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam phải có sự chủ động chuẩn bị đồng bộ từ việc tạo môi trường thuận lợi, phát triển hạ tầng, chuẩn bị nguồn lực con người, đến thu hút các chuyên gia để đáp ứng yêu cầu của dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Có như vậy, Việt Nam mới phát triển bền vững chứ không chỉ mang tính kêu gọi, trải thảm đỏ một cách thụ động.
"Cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam không chỉ thu hút FDI, mà còn thu hút cả khu vực ngoài Nhà nước củng cố sức mạnh nội lực. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới là nhiệm vụ cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng", bà Hương cho biết.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng: Việt Nam phải xem xét trong cả tổng thể và cân đối hài hòa trong thu hút dòng vốn đầu tư. Xem xét, đánh giá khách quan điểm mạnh, điểm chưa đạt được trong việc thu hút FDI trong thời gian tới để có chính sách điều chỉnh phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo tính cạnh tranh, phát triển bền vững cho cả ba khu vực, trong đó đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.
Về phía DN, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse đề nghị: Việt Nam sớm mở cửa nền kinh tế. Việc đóng cửa giúp Việt Nam tránh được nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhưng nếu kéo dài tình trạng này, Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu. Việt Nam có thể quản trị dịch bệnh bằng cách sử dụng công nghệ quản lý.
Nâng sức cạnh tranh để bứt phá
Đồng thời, liên quan tới cơ hội đón làn sóng FDI dịch chuyển, trong kinh nghiệm của một người làm sản xuất, Chủ tịch Sunhouse nhấn mạnh, cần có "nghệ thuật" trong nhận vốn đầu tư FDI. Giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, trong quá trình làm thuê đó, các DN Việt Nam cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.
Đặc biệt, Chủ tịch Sunhouse lưu ý, DN trong lĩnh vực nào cũng cần đổi mới để có thể tận dụng cơ hội. DN Việt phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình, bắt kịp với các DN toàn cầu để rồi có cơ hội làm bạn, hợp tác với họ.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá gói hỗ trợ DN về vốn, thuế đã đi một chặng đường. Tuy nhiên vẫn có đến 29.200 DN tạm ngưng hoạt động. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân, tiến hành cấp cứu, chữa trị để đưa số DN này trở lại hoạt động.
Do vậy, vấn đề đặt ra lúc này là Chính phủ cần phải đánh giá gói hỗ trợ về thuế, vốn ngân sách hiệu quả đến đâu, điểm nào phát huy, cần khắc phục gì. Từ đó đưa ra các gói hỗ trợ mới.
Ông Ngân đề xuất, có thể nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng cho người dân để kích thích tiêu dùng trong nước, đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tiêu thụ được vật tư, hàng hóa. Gói hỗ trợ này chính là tiếp sức để DN trụ lại cho đến giai đoạn hậu Covid-19.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, cạnh tranh phát triển phải dựa trên năng suất. Một khi các ngành, lĩnh vực đạt được năng suất cao sẽ giảm được tính tổn thương nếu gặp khủng hoảng hay gặp một cú sốc về cầu thị trường.
Ông nhấn mạnh: Năng suất là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, nền kinh tế. Dù cơ cấu kinh tế của các địa phương có đi theo hướng nào, quan trọng nhất phải đảm bảo được năng suất. Nếu không cung cấp được chất lượng cao, khả năng phục hồi các ngành nghề cũng chậm khi gặp khó khăn.
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vừa diễn ra hôm 2/7, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở các bộ ngành phải rà soát quy định của pháp luật, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, DN. Tinh thần phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của DN mới tạo được động lực phát triển. "Các anh cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực”, Thủ tướng lưu ý.
Lê Thúy