Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện, nước, xăng dầu, bưu chính viễn thông... trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.
Đề xuất Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều
Quý I/2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.
Chính phủ đề xuất GDP năm 2020 tăng khoảng 4,5% (Ảnh: Tư liệu) |
Trước tình hình đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu chi ngân sách, bội chi, nợ công...
Trước đó, Chính phủ đã gửi tới Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, Chính phủ cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.
Trong báo cáo này, Chính phủ đề xuất mục tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 4,5%, giảm 2,3 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao 6,8%. Nếu tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hồi phục tốt hơn thì phấn đấu mức tăng GDP là 5,4%.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, việc khống chế, đẩy lùi thành công dịch Covid-19 đang giúp Việt Nam chủ động trước vận hội mới.
"Tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045", Thủ tướng nhấn mạnh.
Quan ngại về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động
Báo cáo thẩm tra đánh giá phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý Chính phủ một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020.
Theo đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao. Một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) ở mức thấp trong các nước ASEAN...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020.
Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.
Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 (nếu có) phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước.
Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.
Lê Thúy