Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do được xem là cú hích để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, kéo theo đó là nhu cầu logistics tăng trưởng vượt bậc. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp (DN) logistics nước ngoài đang nhắm tới thị trường Việt Nam như là đích đến.
"Miếng bánh" béo bở
Mới đây, UPS - một công ty vận chuyển và hậu cần toàn cầu lớn trên thế giới thông báo sẽ đầu tư lớn vào mạng lưới logistics thông minh tại Việt Nam. Tiết kiệm chi phí và tốc độ vận chuyển hàng hóa nhanh được xem là lợi thế vượt trội của "người khổng lồ" này.
Cạnh tranh trong ngành logistics ngày càng khốc liệt. |
Ông Sebastian Chan, Chủ tịch mảng giao nhận vận tải, logistics và phân phối toàn cầu của UPS châu Á - Thái Bình Dương cho biết, việc nhiều tập đoàn lớn đang chọn Việt Nam làm "cứ điểm" sản xuất trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo ra sự bùng nổ trong ngành logistics. Và đây là cơ hội cho tất cả các DN trong ngành này.
Trước đó, LOGOS - tập đoàn chuyên về bất động sản logistics đã lập liên doanh với một nhà đầu tư quốc tế để thâm nhập và phát triển các cơ sở logistics tại thị trường Việt Nam. Với quy mô vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 350 triệu USD, LOGOS Vietnam Logistics Venture sẽ phát triển các dự án tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Thời điểm đó, ông Trent Iliffe, đồng Giám đốc điều hành của LOGOS cho biết, việc chuyển đến Việt Nam là bước quan trọng trong chiến lược tăng trưởng khu vực của DN toàn cầu này.
Việc các tập đoàn lớn trên thế giới tìm tới Việt Nam đã diễn ra từ khá lâu, song gần đây trở nên dồn dập hơn. Ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng giám đốc Bee Logistics đánh giá, thị trường logistics Việt Nam rất "béo bở", nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên rất lớn.
Tuy nhiên, CEO Bee Logistics cũng cho rằng, DN Việt Nam trông thấy cơ hội thì các DN nước ngoài cũng sẽ nhìn ra điều này, thậm chí còn trước hơn rất nhiều.
"Ngay từ khi Hiệp định EVFTA chưa đi vào thực thi, nhiều DN châu Âu hoạt động trong ngành logistics đã vào Việt Nam. Nếu không có chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn DN Việt sẽ mất ngay miếng bánh thị phần trên sân nhà", ông Thạnh chia sẻ.
Điều ông Thạnh lo lắng nhất hiện nay là các DN logistics của Việt Nam còn non trẻ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa tốt...
"Trợ lực" để liên kết tạo sức mạnh
Thống kê từ Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam cho thấy, tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới. Theo con số mà Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đưa ra tại Diễn dàn toàn quốc về logistics thì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải và logistics nội địa còn thấp so với doanh nghiệp FDI, số lượng doanh nghiệp ít hơn nhưng chiếm 70%-80% thị phần. Như vậy, có đến 80% thị phần logistics hiện rơi vào tay các DN FDI, hơn 3.000 DN nội địa chỉ chiếm 20%, chủ yếu là đơn hàng nhỏ lẻ và không có yêu cầu quá khắt khe. Chi phí logistics của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, gấp 3 lần Singapore, khoảng 6-20 lần so với Thái Lan và Indonesia.
20% thị phần mà DN nội địa đang nắm là một con số rất chênh lệch so với khối ngoại. Tuy vậy, trong ngành logistics vẫn còn những khoảng trống để các DN nội có thể "lật ngược thế cờ".
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm cho rằng, phân khúc vận tải đường thủy nội địa đang là mảng trống mà nhiều DN FDI chưa vào được. Nếu có được sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, chắc chắn vận tải đường thủy sẽ phát triển hơn nữa.
"Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN xây dựng các chuỗi logistics trong ngành đường thủy nội địa, dứt khoát không để mất phân khúc vận tải hàng hóa đường thủy nội địa từ cảng biển vào trong nội địa và ngược lại vào tay khối ngoại", ông Liêm chia sẻ.
Theo Chủ tịch HTX Rạch Gầm, hiện nay đang có nhiều vấn đề cản trở vận tải đường thủy nội địa phát triển. DN, HTX nhỏ lẻ, sử dụng đội tàu cũ... Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, bên cạnh điểm yếu nội tại này thì vận tải đường thủy nội địa còn phải chịu gánh nặng thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức lớn. Điều đó khiến DN, HTX đã yếu lại càng yếu hơn.
Một số thủ tục hành chính ở cảng biển rất phiền phức làm kéo dài thời gian vận chuyển. Đặc biệt, tàu chở hàng trong chuỗi logistics đi nước ngoài phải trải qua nhiều trạm kiểm tra làm phát sinh chi phí không chính thức. Không ít tuyến vận tải có chi phí không chính thức nhiều hơn chi phí cho nhiên liệu...
Trước tế trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm kiến nghị các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cắt giảm các thủ tục "hành là chính" này. Đồng thời, Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích để DN, HTX đầu tư phương tiện vận tải bằng gói hỗ trợ như giảm lãi suất, cho vay dài hạn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ vận tải...
"Một khi làm được điều này chắc chắn vận tải đường thủy nội địa sẽ phát triển vượt bậc, chấm dứt tình cảnh mất cân đối tỷ trọng giữa các loại hình vận tải như hiện nay. Đặc biệt, DN nội có thể cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại", ông Liêm khẳng định.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nếu để các DN logistics nội địa "tự bơi" sẽ rất khó có được ngành công nghiệp logistics hiện đại. Để khối nội có thêm được "miếng bánh", Nhà nước cần tạo điều kiện để các DN trong nước "lớn lên" bằng các chính sách cho DN tiếp cận về đất đai, giảm thuế... Mặt khác, các DN logistics trong nước trước hết phải liên kết lại với nhau để có được sức mạnh về vốn, công nghệ, phương tiện hiện đại... Có như vậy mới đủ khả năng đảm nhiệm các đơn hàng lớn.
Lê Thúy