Là doanh nghiệp sử dụng phương tiện vận chuyển đường hàng không ngay từ đầu thành lập, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty T&T Vina, cho biết doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Hoa Kỳ đạt kim ngạch hơn 43 triệu USD trong năm 2019. Tuy nhiên, phí logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp.
Logistic đang nằm trong tay các DN ngoại
Như vậy, hiểu đơn giản trong 100 đồng xuất khẩu, doanh nghiệp phải chi trả cho logistics 30 đồng, cộng thêm các chi phí khác như chi phí nhập trái cây, chiếu xạ... Doanh nghiệp không còn lời lãi là mấy.
Ông Tùng chia sẻ: "Nông dân bán 1 kg trái cây cho doanh nghiệp với giá bình quân 1-2 USD, chúng tôi xuất khẩu từ 10-11 USD nhưng phần chênh lệch giá này phần lớn nằm trong tay của các doanh nghiệp logisitcs nước ngoài là chính".
Chi phí logistics cao là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. |
Tại hội nghị kết nối trực tuyến doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không diễn ra chiều ngày 8/9, theo phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hiện họ đang phải phụ thuộc vào các hãng hàng không nước ngoài.
Đại diện T&T Vina cho biết, do không có hãng hàng không Việt Nam nào có thể đảm nhận việc vận chuyển trái cây xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy doanh nghiệp phải thuê dịch vụ của 4 - 5 hãng hàng không nước ngoài. Điều này dẫn đến câu chuyện là khi các hãng này gặp khó khăn, trục trặc họ tự ý nâng giá thì các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng phải chịu.
"Sự yếu kém của ngành logistics Việt Nam đã khiến nông sản, trái cây Việt kém cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay những nước có ngành logisitcs phát triển", ông Tùng nói.
Không chỉ phàn nàn về dịch vụ logistics, Tổng Giám đốc T&T Vina cũng chia sẻ về những bất cập của ngành đường sắt. Sở dĩ doanh nghiệp không thể chọn đường sắt vì phải vận chuyển qua quá nhiều trạm trung chuyển, trái cây dễ bị hư hỏng. Trái cây là mặt hàng khá nhạy cảm với nhiệt độ, trái nhãn bảo quản 1 độ C, dừa phải 2 độ C, thanh long 5-6 độ C.
Trước khó khăn trên, đại diện T&T Vina kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chi phí logistics "leo thang".
Ông Tùng cho biết, trước dịch COVID-19, giá logistics trung bình là 3 USD/kg, nay tăng lên 6 USD/kg do các hãng hàng không cắt giảm chuyến bay.
"Chúng ta có lợi thế về nông sản, có những loại trái cây đặc biệt như thanh long, vải, nhãn... nhưng bất lợi logistics khiến nông sản Việt kém cạnh tranh hơn Thái Lan", Tổng Giám đốc T&T Vina một lần nữa đề cập tới nghịch lý này.
Tương tự, ông Hoàng Văn Hoàn, Giám đốc điều hành công ty cổ phần thương mại TMS Trading, chia sẻ 1 container thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc có giá 230 triệu đồng nhưng chi phí vận chuyển đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết lên tới 130 triệu đồng. Chi phí cao như vậy nhưng doanh nghiệp tìm xe vận chuyển cũng không hề dễ dàng.
"Chúng tôi lo đi mua hoa quả của bà con nhưng quay sang khâu vận chuyển thì gần như bế tắc. Nông sản Việt Nam không thua về chất lượng, giá thành sản xuất nhưng lại thua về logisitics yếu kém", ông Hoàn chia sẻ.
Cần cái 'bắt tay' để hạ giá thành logistics
Trong khi đó, đại diện ngành đường sắt, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng Ban Kế hoạch - Kinh Doanh, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cho rằng đường sắt có ưu điểm là vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, phương tiện vận chuyển an toàn. Bên cạnh đó, đường sắt cung cấp dịch vụ trọn gói cho xuất khẩu và nhập khẩu chính ngạch, làm thông quan tại các cửa khẩu...
Tuy vậy, ông Nam thừa nhận, hiện vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường sắt chỉ chiếm 1,8% tổng lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là con số khá khiêm tốn. Vì thế, ông Nam hy vọng thời gian tới, ngành đường sắt sẽ cung cấp được nhiều dịch vụ nữa cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản.
Với ngành hàng không, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air Cargo, cho biết hiện mặt hàng nông sản chỉ chiếm 5% trong tổng lượng hàng hóa vận chuyển của ngành hàng không. Đây rõ ràng là con số khiêm tốn. Các loại hàng hóa nông sản vận chuyển chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm, dễ hư hỏng như trái cây.
Đáng chú ý, ông Quang cũng nêu ra nguyên nhân khi nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản phàn nàn về cước phí vận chuyển quá cao đang là nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam kém cạnh tranh. Đặc biệt là dịch COVID-19 vừa qua, giá cước cao do các hãng cắt giảm công suất hoạt động của tàu bay.
"Một số khách hàng đặt câu hỏi tại sao giá cước vận chuyển quá cao, 1kg thanh long giá thành sản xuất chỉ 3 USD nhưng phí vận chuyển chiếm tới 6 - 7 USD, cộng lại giá lên tới 10 USD nên khó cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu. Đây là thách thức lớn trong việc đưa sản phẩm nông sản ra thế giới", ông Quang nhìn nhận.
Theo ông Quang, nguyên nhân khiến phí logistics vận chuyển đường hàng không cao là do các hãng hàng không Việt Nam quy mô nhỏ, chưa có máy bay chuyên trở hàng chuyên dụng, hầm máy lạnh không có, thiếu hụt nguồn nhân lực... Dẫn tới hiện nay, các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm tới 90% thị phần vận chuyển nông sản Việt Nam. "Đây là thiệt thòi cho các hãng hàng không Việt Nam", ông Quang nhận xét.
Đại diện Vietjet Air Cargo đề nghị: Thời gian tới, Chính phủ nên xem xét cho thành lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa, cũng như thiết lập đường bay thẳng sang Hoa Kỳ.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), câu hỏi muôn thủa của doanh nghiệp là chi phí. Doanh nghiệp nông sản mong doanh nghiệp logistics hỗ trợ chi phí. Tuy nhiên, cách giảm bền vững nhất có lẽ là doanh nghiệp nông sản nên tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, điều này sẽ giúp giá thành hạ xuống.
Đồng thời, lâu nay doanh nghiệp nông sản thường có quan niệm hàng không đắt, trong khi đường sắt lại kém linh hoạt. "Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp thay đổi nhận thức này để doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics có thể bắt tay giải quyết các vấn đề vướng mắc, từ đó kéo giảm chi phí logistics", ông Hải khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam, cho rằng dường như doanh nghiệp nông nghiệp và logistics chưa tìm được tiếng nói chung, do vậy việc bắt tay nhau sẽ giúp các doanh nghiệp cùng tối ưu hóa các lợi ích, hạ giá thành sản phẩm.
Lê Thúy