Thời gian gần đây, chạy dọc trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt từ quận Bình Tân cho đến quận 1 (Tp.HCM) sẽ thấy "mọc lên" chi chít các xe gỗ, ki ốt bán cà phê và đồ thức ăn nhanh lưu động. Trên một số tuyến đường khác ở khu vực nội thành cũng dễ nhận ra cảnh tương tự.
Nở rộ mô hình bán hàng lưu động
Thực ra, hoạt động bán hàng lưu động trong ngành F&B đã có từ vài năm trước ở Tp.HCM, nhưng từ sau những tác động của dịch Covid-19 khiến cho việc kinh doanh ngành hàng F&B trở nên khó khăn vì áp lực chi phí mặt bằng thì mô hình bán hàng lưu động lại được dịp nở rộ.
Mô hình bán cà phê lưu động đang nở rộ ở Tp.HCM hậu Covid-19. |
Vào trang tìm kiếm Goolge.com.vn, đánh từ khoá “bán cà phê lưu động” thì cho đến... 31,7 triệu kết quả. Trong đó, có khá nhiều website mời gọi cùng khởi nghiệp kinh doanh cà phê lưu động bằng các xe bán hàng, xem đây là “mốt” bán hàng hiện nay của ngành hàng F&B, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19.
Trên website “dayphache…” còn cho rằng với mô hình kinh doanh cà phê lưu động, khả năng tiếp cận khách hàng sẽ rộng hơn, bởi có thể di chuyển từ nơi này qua nơi khác…, trong khi mở quán cà phê thông thường thì chỉ có thể đợi khách hàng tìm đến với cửa hàng.
Trang web này chia sẻ thêm, ở một số quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Úc…, hình thức kinh doanh xe bán hàng lưu động đã và đang cực kỳ phát triển và thành công, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn là hình thức còn khá mới mẻ và rất tiềm năng.
Nhận định mới đây từ Công ty nghiên cứu thị trường JLL cho biết, một số thương hiệu F&B nổi tiếng ở Việt Nam cũng đã bắt đầu tận dụng mô hình lưu động để tăng thị phần cũng như giảm bớt chi phí vận hành và thuê mặt bằng.
Và khi mô hình bán hàng lưu động xuất hiện đã giải quyết được bài toán thời gian ít ỏi, khách hàng có thể mua ngay một cốc cà phê hay phần ăn nóng mà không phải tìm đến những cửa hàng hay tiệm bán lẻ nhỏ.
Điển hình như thương hiệu cà phê Highlands nổi tiếng với những vị trí đắc địa gần đây đã triển khai mô hình xe đẩy di động chỉ phục vụ mang đi và đặt trước các tòa nhà lớn. Các món nước tại xe đẩy có giá mềm hơn trong cửa hàng và cũng được phục vụ nhanh chóng hơn.
Hoặc một thương hiệu nổi tiếng khác chuyên về gà rán và pizza cũng đã mở rộng dịch vụ sang mô hình container đặt dưới các khu dân cư.
Ngoài ra, nhiều trung tâm thương mại hay tòa nhà văn phòng cũng đã xuất hiện các gian hàng pop-up (những cửa hàng bán lẻ “mọc lên” chớp nhoáng và biến mất sau một khoảng thời gian ngắn), dưới dạng ki ốt đặt ngay tại sảnh mua sắm.
Không lo nhiều chi phí
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia thị trường cho rằng một số chủ doanh nghiệp ngành F&B nếu thích sáng tạo với những ý tưởng mới mẻ và ngân sách hạn chế thì có thể áp dụng mô hình này như một cách để thử thị hiếu các sản phẩm mà không cần bỏ ra các loại chi phí truyền thống cho đến khi họ sẵn sàng mở cửa hàng mới.
Chuyên gia này nhận định, những thương hiệu F&B lớn ở Việt Nam cũng đang tìm đến mô hình ki ốt và xe lưu động ẩm thực đường phố như là một cách để thử nghiệm xu hướng mới theo kiểu “thắt lưng buộc bụng” hậu Covid-19 bằng cách bán các món take-away (mang đi) mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng.
Đây là một phương án ngắn hạn để các doanh nghiệp F&B thử nghiệm ở những thị trường mới, cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng thích khám phá những trải nghiệm mới mẻ.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam, bình luận về xu hướng mới: Những xe F&B lưu động cung cấp những nguyên liệu có chất lượng cao hơn, và giúp đánh tan định kiến đồ ăn lề đường kém an toàn thực phẩm. Thành công của mô hình này đang thúc đẩy những thương hiệu khác làm theo để kéo thêm khách hàng mới.
Nhà phân tích thị trường của JLL dự đoán đây sẽ là xu hướng mới cho ngành ẩm thực Việt Nam, đi theo dấu chân của các thị trường trưởng thành hơn trong khu vực. Tuy nhiên, về lâu dài, để tiếp tục cạnh tranh với các nhà hàng truyền thống, mô hình xe lưu động cần phải liên tục nâng cấp chất lượng sản phẩm cao hơn.
Thực ra, ở nhiều nước phát triển hơn, mô hình F&B lưu động đã đạt nhiều thành công nhất định, dù không hề có một mặt bằng ổn định. Mô hình bán hàng lưu động không dừng lại ở việc bán thực phẩm mà còn nhiều loại sản phẩm khác nhau như: may mặc, âm nhạc, hoa tươi, làm đẹp, trang sức, sách vở…
Bên cạnh đó, mô hình có thể tích hợp dịch vụ giao hàng bên cạnh take-away hoặc hợp tác với các đơn vị giao hàng trực tuyến sẽ mang đến đa dạng lựa chọn cho khách hàng, và đảm bảo lượng đơn hàng cho mô hình F&B di động.
Tiềm năng của mô hình này được cho là vẫn rất lớn với nhiều lợi thế so với hàng rong truyền thống. Theo báo cáo hành vi tiêu dùng của Nielsen 2020, người Việt ưa chuộng thực phẩm xuất xứ trong nước và nhu cầu này đã lên tăng sau đại dịch Covid-19. Mô hình F&B lưu động luôn đổi mới được dự đoán sẽ thu hút nhóm khách hàng luôn tìm kiếm sự mới lạ cũng như phù hợp với giới tiêu dùng trẻ.
Thế Vinh