Khi mới nghe tin hệ thống cửa hàng Món Huế ở Tp.HCM đóng cửa, một số khách hàng có đưa ra lời bình luận trên mạng xã hội với đại ý đây là chuyện sớm muộn vì mang tiếng chuỗi đồ ăn đậm chất văn hóa Việt, phô trương hoành tráng nhưng thức ăn thì dở tệ, phục vụ lại chậm chạp, giá bán khá đắt…
Cạnh tranh khốc liệt
Anh Phillip Nguyễn, một người tự xưng từng tiếp xúc làm việc với công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam (chủ hệ thống Món Huế), nhận định đội ngũ lãnh đạo ở đây rất chậm thay đổi. Việc hệ thống Món Huế đóng cửa là tất yếu, hệ quả của việc chuyển đổi chậm trong thời đại marketing bùng nổ, không có gì là mới lạ cả.
Ngay cả cung cách làm việc của hệ thống này với các nhà cung cấp cũng đáng chê trách. Bằng chứng là khi một loạt cửa hàng Món Huế dừng hoạt động, công ty đóng cửa thì có hơn 100 nhà cung cấp kêu bị nợ tiền nhiều tỷ đồng.
Có thể nói, việc Món Huế đóng cửa sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của những người kinh doanh trong ngành F&B, nhất là khi hệ thống này từng có độ phủ trên cả nước, riêng tại Tp.HCM có đến 80 điểm.
Công ty Huy Việt Nam không chỉ sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế mà còn có các thương hiệu ăn khác với nhiều điểm phủ rộng khắp như Phở Hùng, Cơm Thố Cháy, Iki Sushi, House of Phở, Great Bánh Mì.
Quan sát câu chuyện ở Món Huế, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia trong ngành hàng ăn uống cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh ngành hàng F&B ở các thành phố lớn trong nước ngày càng gay gắt, về mặt khách quan việc đào thải là khó tránh khỏi.
Đặc biệt là các nhà hàng chuỗi còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh từ các nhà hàng riêng lẻ, từ các cửa hàng tiện lợi và tạp hóa cung cấp đồ ăn liền. Chưa kể, còn có những nguyên nhân chủ quan khác từ bản thân doanh nghiệp (DN).
Theo vị chuyên gia này, F&B là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh và danh tiếng của DN ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng, cho dù là nhà hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc nhà cung cấp nguyên liệu cho DN. Đó là lý do vì sao khi ngày càng nhiều các thương hiệu có ý định thâm nhập vào thị trường này phải bỏ ra không ít thời gian để tìm hiểu kỹ thị trường.
Cố vấn cho nhiều DN đầu tư vào ngành hàng F&B, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và đầu tư trang thiết bị Ánh Dương, đánh giá đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu trong ngành F&B tại Việt Nam.
Ngành F&B cạnh tranh gay gắt, tốc độ đào thải nhanh |
Rủi ro tự phát
Mặc dù ngành F&B ở Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 18%/ năm trong tương lai gần, nhưng vấn đề được bà Ngọc đặt ra là liệu các DN nội địa có đủ sức cạnh tranh với những tên tuổi lớn từ nước ngoài ngay trên sân nhà?
Theo bà Ngọc, điểm hạn chế của các DN Việt trong ngành hàng F&B là kinh doanh tự phát, thích là bắt tay vào làm nhưng không có quy trình bài bản, đến khi làm thì gặp những lỗ hổng cơ bản. Lẽ ra, bước đầu tiên các DN phải làm là nghiên cứu và phân tích thị trường.
Đơn cử như việc kinh doanh quán trà sữa, nhiều người (nhất là giới trẻ) tự phát khởi nghiệp theo phong trào đầu tư vào phân khúc này vì nghĩ rằng bán trà sữa khá lời, quán trà sữa nào cũng đông khách.
Chỉ ra mặt hạn chế ở đây, bà Ngọc lưu ý đó là họ đang nhảy vào lĩnh vực mà nhiều người đã và đang làm và làm rất tốt, trong khi không nghĩ đến việc đầu tư sao cho mới hơn, lạ hơn.
“Quan trọng vẫn là cần chọn cho đúng sản phẩm mà mình muốn đưa đến tận tay người tiêu dùng với hướng đi riêng và đừng bắt chước, copy những mô hình quốc tế đang rất thành công. Đặc biệt là ở Việt Nam không thiếu những sản phẩm đủ ngon, đủ lạ để kinh doanh”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Với các DN Việt Nam trong nhóm ngành F&B, ngoài nguy cơ bị lấn chiếm thị phần, một thách thức lớn là vẫn phải nhập khẩu một phần hoặc toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất từ nước ngoài với chi phí cao; nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vì trong nước chưa sản xuất được…
Giám đốc một DN nội địa trong lĩnh vực F&B cho biết để cạnh tranh với khối ngoại, điều quan trọng đối với các DN nội là không chủ quan về những lợi thế sẵn có của mình và cạnh tranh bằng sự nỗ lực chủ quan của bản thân mỗi DN là chính.
Việc thích ứng trước xu hướng mua sắm trên thị trường F&B cũng là điều được đặt ra khi mà người tiêu dùng đang ngày càng thay đổi hành vi một cách rõ rõ rệt, chẳng hạn như xu hướng mua từ ngoại tuyến (offline) đến trực tuyến (online).
Theo chia sẻ của ông Âu Tuấn Long, Giám đốc CTCP Vua Bánh Mì, dù đang phát triển hệ thống chuỗi các loại bánh mì theo phương thức truyền thống ở một số quận nội thành Tp.HCM nhưng công ty phải nhắm đến xu hướng bán hàng qua kênh online. Nguyên nhân là bởi đó là xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà các DN Việt trong ngành F&B cần làm.
Thế Vinh