Ngày 20/2, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức Hội thảo "Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh".
Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Ipsard nhận định, thực thi các hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA, ngành chăn nuôi Việt Nam ở thế yếu trong cạnh tranh.
Tác động từ giảm thuế nhập khẩu
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay lập tức 21,64% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; 76,39% số dòng thuế sẽ giảm về 0% sau 2-16 năm, còn lại chỉ một số ít sản phẩm gia cầm sẽ giữ nguyên mức thuế ở mức 80%.
Các doanh nghiệp chăn nuôi cần xây dựng chuỗi liên kết (Ảnh TL) |
Đối với EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch (các sản phẩm gia cầm); số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 9 năm. Về phía các nước EU, họ cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam khi thực thi EVFTA; 27% số dòng thuế về 0% sau 3 – 7 năm.
Ts. Trần Công Thắng cho hay, Việt Nam nhập khẩu bò sống nhiều nhất từ Australia vừa làm giống vừa vỗ béo lấy thịt; nhập khẩu thịt cấp đông, thịt lọc không xương từ Australia, Mỹ. Thuế nhập khẩu thịt bò sẽ giảm trong 3-8 năm, khiến áp lực cạnh tranh đối với ngành chăn nuôi bò thịt nước ta sẽ đến rất sớm. Hiện, Việt Nam nhập khẩu nhiều sữa bột từ Australia, New Zealand; nhập khẩu sữa, pho mát tươi từ Pháp. Khi thực thi CPTPP và EVFTA, việc thuế nhập khẩu từ khối CPTPP và thuế nhập khẩu từ EU giảm trong lộ trình 3 năm sẽ khiến sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh.
Đối với chăn nuôi gia cầm, lượng gà sống và thịt gà nhập khẩu tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong khối CPTPP, Việt Nam nhập khẩu gà sống và thịt, phụ phẩm từ 3 nước: Malaysia, Australia và New Zealand. Với khối EU, Việt Nam nhập khẩu gà sống từ Pháp, Anh, Hà Lan; nhập khẩu thịt gà từ Ba Lan, Pháp, Ý. Tuy nhiên, lộ trình giảm thuế đối với nhóm sản phẩm thịt gà lên tới 10-11 năm, nên ít tác động ngay.
Đối với ngành lợn, khả năng xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Năm 2018, giao thương thịt lợn của thế giới lên tới 28,46 tỷ USD, trong khi xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam chỉ 44,866 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu lợn sống từ khối CPTPP và EU chủ yếu chỉ để làm giống. Việt Nam có nhập thịt lợn từ Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan với những sản phẩm chủ yếu gồm thịt mông, thịt vai, đông lạnh.
Doanh nghiệp phải vào cuộc xây dựng chuỗi liên kết
“Trong CPTPP, Việt Nam cam kết thuế nhập khẩu thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm. Cam kết EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm, thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% về 0% sau 9 năm. Dư địa giảm thuế nhập khẩu sản phẩm thịt lợn cao, nhưng lộ trình kéo dài 8-10 năm, khiến ngành hàng chăn nuôi lợn nước ta chịu thách thức trong dài hạn”, Viện trưởng Ipsard nhận định.
Nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực do CPTPP và EVFTA đem đến, Ts. Trần Công Thắng khuyến nghị: Các doanh nghiệp chăn nuôi cần xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành HTX và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, cần tăng đầu tư vào công nghệ cao, vùng chuyên canh nguyên liệu, cải thiện chất lượng con giống, cải thiện kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành. Các doanh nghiệp chăn nuôi cần tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn hữu cơ.
Viện trưởng Ipsard kiến nghị Nhà nước cần cập nhật tốt các thông tin về quy định tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu của các nước. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu. Các chính sách về chăn nuôi cần hướng đến ưu tiên và phân bổ nguồn lực triển khai Nghị định 57, Nghị định 98 về liên kết, phát triển HTX; Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định 135 về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân.
Chu Khôi