Tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" ngày 8/4, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm là thông tin về điều chỉnh giá điện trong năm nay.
EVN cam kết không tăng giá điện dù Singapore tăng tới 30%
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết trong tình hình thế giới biến động nhanh, hiện giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Cụ thể, giá nhiên liệu sơ cấp khi có chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra đã tăng mạnh như giá than trước đây chỉ 60-70 USD/tấn, giờ tăng lên 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng hết sức biến động, trước đây 6-8 USD/triệu BTU, hiện 16-18 USD/triệu BTU, giá sắt thép vật liệu xây dựng để xây dựng dự án điện, truyền tải… cũng tăng mạnh. Điều này khiến ngành điện đang chịu áp lực về đầu vào, sản xuất kinh doanh.
EVN cam kết không tăng giá điện, lợi nhuận năm nay có thể bằng 0. |
Tuy nhiên, sau khi cân đối, lãnh đạo EVN cam kết với Thủ tướng Chính phủ năm 2022 không tăng giá điện, cân đối nguồn điện hợp lý nhất đảm bảo phát triển kinh tế xã hội sau COVID-19.
Lãnh đạo EVN thông tin, Tập đoàn vừa có buổi làm việc với cơ quan điều tiết điện lực của Singapore - họ nói tháng 4 tăng giá điện lên 30%, hiện giá điện của nước này ở mức 26-27 UScent/kWh. Các nước khác cũng vậy, đang chịu áp lực như Việt Nam.
Với áp lực đó, ông Tài Anh cho rằng rõ ràng việc cân đối chi phí đầu vào với việc giá bán điện hết sức khó khăn. EVN cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 dù phải chấp nhận lợi nhuận bằng 0, nhưng sẽ khó cân đối trong các năm tiếp theo nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.
"Năm sau mà lợi nhuận tiếp tục bằng 0 thì không thể cân đối được", Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Văn Lợi, Trưởng ban Đầu tư xây dựng, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới biến động làm tác động trực tiếp tới giá nhiên liệu đầu vào. Nhà máy nhiệt điện của doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ giá than, có thời điểm giá than gần 300 USD/tấn.
"Hơn nữa, do giá than tăng cao nên việc nhập khẩu rất khó khăn. Chúng tôi giờ chỉ biết hy vọng rằng áp lực này sẽ sớm qua đi", ông Lợi chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc không tăng giá điện trong 3 năm vừa qua sẽ ảnh hưởng tới việc đầu tư vào ngành điện trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm (phần nguồn khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD).
Việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, xã hội hóa việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối các nguồn điện, nhằm giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.
Không tăng giá điện thì khó thu hút đầu tư
"EVN cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 dù phải chấp nhận lợi nhuận bằng 0 nhưng nếu các năm sau mà tiếp tục như vậy, cùng giá nhiên liệu, chi phí đầu vào vẫn tăng, EVN sẽ không thể cân đối được".
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN
Khi nói về huy động vốn, nguồn đầu tư cho năng lượng tái tạo hay xã hội hóa việc đầu tư phát triển lưới truyền tải, chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nêu quan điểm trước hết làm sao bảo đảm lợi nhuận cho đầu tư: "EVN nói lợi nhuận bằng 0, năm sau lợi nhuận có thể tiếp tục bằng 0. Doanh nghiệp nhà nước có thể chấp nhận nhưng khối tư nhân không chấp nhận điều này. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi họ vì lợi ích quốc gia mà chấp nhận lợi nhuận bằng 0".
Theo đó, chuyên gia này cho rằng cần tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng với cơ chế chính sách cần mang tính dài hạn và giá điện ở mức chấp nhận được, đảm bảo nhà đầu tư có lãi thì họ mới bỏ vốn vào. Nếu không thu hút được nhà đầu tư tư nhân thì chắc chắn không thể có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu về phát triển nguồn điện và lưới điện của đất nước trong thời gian tới.
Trong khi đó, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc, đánh giá Việt Nam có nhu cầu điện lớn, đương nhiên đầu tư vào ngành điện bắt buộc phải lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút đầu tư vào ngành điện là vấn đề quan trọng.
Ông Hồi cho rằng, bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc về kỹ thuật, Chính phủ cũng cần phải có cơ chế điều chỉnh giá điện. Đầu tư nhà nước hay tư nhân thì cũng cần lợi nhuận. Doanh thu của nhà đầu tư là sản lượng điện bán được nhân với giá bán. Giá bán tính đi tính lại là giá bán điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.
Tuy vậy, ông Hồi chỉ ra nghịch lý của ngành điện ở Việt Nam là có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán điện cho người tiêu dùng cuối cùng do Nhà nước quy định. Điều đó có nghĩa EVN mua điện với giá biến động theo thị trường, song bán điện theo giá Nhà nước quy định. Nếu Chính phủ, Bộ Công Thương không có cơ chế điều chỉnh giá điện, EVN khó đảm bảo cung cấp và duy trì hoạt động.
Nếu giá cứ tiếp tục không được điều chỉnh thì không thu hút được đầu tư tư nhân vào ngành điện. Lần điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân gần đây nhất là năm 2019, như vậy là 3 năm không điều chỉnh. Trong khi đó, giá đầu vào biến động mạnh.
Ông Hồi nêu quan điểm: EVN nói năm nay lợi nhuận bằng 0, năm sau cũng có khả năng bằng 0 thì sẽ tạo áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư tư nhân khác nếu muốn tham gia vào ngành điện.
"Điều này nằm ở vai trò của Nhà nước trong việc tính toán cơ chế điều hành giá điện, bởi thay đổi này có thể là chi phí của đơn vị kinh tế này nhưng lại là lợi ích của đơn vị kinh tế kia. Làm sao giá điện đảm bảo thu hút đầu tư nhưng cũng đảm bảo cả lợi ích xã hội tổng thể", ông Hồi nhấn mạnh.
Thực tế thì lợi nhuận của EVN năm nay có bằng 0 hay không thì chắc chắn phải chờ tới khi kết quả kinh doanh của đơn vị được công bố, song nếu điều này đúng như vậy thì chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư tư nhân nản lòng, không muốn đầu tư vào ngành điện. Bởi, một doanh nghiệp nhà nước lớn như EVN, cũng như nắm vị trí chủ chốt trong ngành điện mà lợi nhuận bằng 0, thì ai đảm bảo nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận khi rót vốn vào ngành điện?
Nhật Linh