Bộ Công Thương vừa có đề xuất gỡ khó cho các dự án điện gió, điện mặt trời đang "nằm chờ" nhiều tháng qua do không kịp đưa vào vận hành theo quy định để hưởng biểu giá ưu đãi (giá FIT).
Bộ Công Thương đề xuất chuyển sang cơ chế đấu thầu với các dự án điện mặt trời, điện gió lỡ hẹn hưởng giá FIT. |
Với điện mặt trời, theo Quyết định 13/2020, dự án vận hành trước 31/12/2020 sẽ được hưởng giá FIT 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) với dự án điện mặt trời mặt đất. Giá với điện mặt trời nổi là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.783 đồng/kWh) và điện mặt trời mái nhà 8,38 cent/kWh, tức 1.943 đồng/kWh.
Còn dự án điện gió vận hành thương mại trước 1/11/2021, theo Quyết định 39/2018 là 9,8 cent/kWh (2.223 đồng/kWh) với dự án trên biển; dự án trên bờ là 8,5 cent (1.927 đồng)/kWh.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, tổng công suất dự án điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch là 15.400 MW, trong đó 148 nhà máy đã kịp vận hành thương mại đến hết 31/12/2020 với công suất gần 8.853 MW.
Với điện gió, tổng công suất dự án đã bổ sung quy hoạch là 11.921 MW. Trong số này có 84 nhà máy kịp nghiệm thu vận hành thương mại (COD) toàn bộ và một phần với công suất hơn 3.980 MW. Có 37 dự án điện gió không kịp COD để hưởng mức giá FIT ưu đãi trong suốt 20 năm như Quyết định của Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Với xu thế các nước chuyển đổi từ cơ chế giá FIT ưu đãi sang đấu thầu dự án năng lượng tái tạo theo yêu cầu của hệ thống điện, Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ chuyển sang cơ chế đấu thầu mua giá điện.
Cụ thể, EVN sẽ là đơn vị đấu thầu, dự kiến thực hiện trong năm 2022. Giá mua điện sau đấu thầu sẽ áp dụng trong 3 năm (đến 2025). Sau thời gian này, các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ phải đấu thầu tiếp theo quy định do Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành. Đồng tiền tính giá là VND (đồng/kWh) và không điều chỉnh biến động theo tỷ giá VND/USD.
Nhà máy điện sẽ được huy động theo yêu cầu của hệ thống điện, tuân thủ quy định về quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và các quy định khác liên quan; đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện cạnh tranh. Trường hợp tham gia, nhà máy có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ của đơn vị phát điện theo quy định thị trường điện.
Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng quy định này theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật ban hành Văn bản pháp luật. Quyết định dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 5. Bộ này sẽ xây dựng, ban hành Thông tư về khung giá điện áp dụng cho các dự án chuyển tiếp, có hiệu lực đồng thời với quyết định của Thủ tướng.
Trước đó, hồi tháng 11/2021, chia sẻ với VnBusiness, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, cho biết địa phương này có 3 dự án điện gió với tổng công suất 30 MW không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11. Suất đầu tư trung bình của 1W điện gió khoảng 1,4 triệu USD.
Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận kiến nghị Chính phủ nên gia hạn giá FIT cho các dự án chậm tiến độ, áp dụng giá FIT này cho đến khi có cơ chế đầu thầu được ban hành.
"Chủ đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, mà đến nay cơ chế đấu thầu vẫn chưa được Bộ Công Thương ban hành, không bán được điện, không có dòng tiền về. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu, không thể trả nợ, lãi vay ngân hàng thì đến hẹn", ông Thịnh giãi bày.
Liên quan đến phương án xử lý với 62 dự án không được hưởng giá FIT, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), phàn nàn đáng lẽ ra, cơ quan chức năng phải cho doanh nghiệp biết cụ thể chính sách dành cho họ trong thời gian tới để doanh nghiệp có động lực hoàn thiện dự án.
"Khung đấu thầu phải chờ Bộ Công Thương đưa ra quy định về giá, về điều kiện. Tuy nhiên, chắc chắn không có lợi như giá FIT", ông Thiện nói, vì Quyết định 39 của Thủ tướng được hiểu ngầm là ưu đãi về giá.
Thy Lê