Chiều ngày 25/2, Bộ Công Thương chính thức công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện được xem là căn cứ để xác định các chi phí đầu vào, nhằm xây dựng phương án giá điện cho năm tiếp theo.
EVN làm ăn có lãi
Được biết, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi EVN yêu cầu xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về phương án giá điện năm 2022 và công tác điều hành giá.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lãi 4.742,24 tỷ đồng. |
Trên thực tế, hai năm qua (2020, 2021), trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá bán lẻ điện đã giữ ổn định, có những đợt giảm giá cho người dân, doanh nghiệp. Lần tăng giá gần đây nhất vào cuối tháng 3/2019, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36%, tương ứng giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.
Do vậy, nhiều ý kiến lo ngại, năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng. Song, nếu không tính toán chính xác, khách quan về phương án giá điện, thì điều này chắc chắn sẽ tạo thêm sức ép với quá trình phục hồi của nền kinh tế, ảnh hưởng của đời sống người dân cả nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Hơn nữa, muốn tính được phương án giá điện thì trước hết cần nhìn vào kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN. Bộ Công Thương cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lỗ 1.307,29 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là 6.049,53 tỷ đồng, do vậy, EVN vẫn lãi 4.742,24 tỷ đồng.
Cụ thể, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2020 của EVN gồm: thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty điện lực; thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của công ty mẹ EVN và các Tổng công ty điện lực.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho biết ngoài các khoản chênh lệch tỷ giá đã hạch toán vào giá thành sản xuất điện năm 2020 là hơn 5.030 tỷ đồng, còn khoản tiền lên tới hơn 7.582 tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá thành.
Cụ thể, các khoản chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; Khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện phát sinh năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng.
Hồi hộp chờ phương án giá điện 2022
Trước đó, đầu năm 2021, Bộ Công Thương cũng cho biết kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2019 của EVN cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 387.828,78 tỷ đồng ở tất cả các khâu. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm đó là 1.848,85 đồng/kWh, tăng 7,03% so với năm 2018.
Trong năm 2019, EVN lãi 523,37 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2019 là 0,35%. Các khoản chưa hạch toán vào giá thành trên 9.249 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo gửi Bộ KH&ĐT của EVN về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020, doanh nghiệp này bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất đến cuối năm 2020 là 729.452 tỷ đồng (tăng 1,1% so với năm 2019), trong đó vốn chủ sở hữu 240.195 tỷ đồng (tăng 6%).
Công ty mẹ EVN và các công ty con của tập đoàn này về cơ bản có lãi, bảo toàn và phát triển nguồn vốn được giao. Lợi nhuận sau thuế của toàn bộ EVN đạt 14.480 tỷ đồng, tăng 4.760 tỷ đồng (49,0%). Tỷ suất sinh lời tăng so với năm 2019 và ở mức hợp lý so với đặc thù của ngành điện. Tỷ suất sinh lời của tổng tài sản (ROA) 2,0%, tăng 0,63%; Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) 6,21%, tăng 1,83%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ EVN đạt 1.598 tỷ đồng.
Như vậy, xét cả về lợi nhuận sau thuế năm 2020, cũng như mức lãi 4.742,24 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN vừa được Bộ Công Thương công bố thì rõ ràng hoạt động kinh doanh của EVN khá tốt.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021 của EVN, doanh thu tập đoàn này cũng đạt hơn 211.600 tỷ đồng và mức lợi nhuận trước thuế lên đến 10.127 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỷ đồng (năm 2020 là 22.528 tỷ đồng).
Câu hỏi một lần nữa đặt ra là EVN lãi lớn, thì giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 có phải điều chỉnh tăng hay không? Nếu tăng giá điện sẽ giúp EVN giải quyết được áp lực về giá nguyên liệu, chi phí đầu vào, chi phí phát sinh từ khoản chênh lệch tỷ giá....
Tuy nhiên, một khi giá điện được điều chỉnh tăng thì chắc chắn sẽ làm đội chi phí sản xuất của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ dân phải trả thêm tiền điện mỗi tháng. Sức chịu đựng của nền kinh tế có lẽ sẽ rất khó khăn khi giá xăng dầu cũng đang ở mức đỉnh so với gần chục năm qua.
Còn nhớ thời điểm năm 2019, sau khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng 8,36% vào cuối tháng 3 - bắt đầu đợt cao điểm nắng nóng, hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình thời điểm đó đã tăng đột biến trong tháng 4, tháng 5... Điều này khiến người dân cả nước rất tâm tư về một quy trình bất biến của ngành điện là nếu điều chỉnh thì sẽ tăng giá, tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi!.
Nhật Linh