Thông tin từ EVN cho thấy, thời gian vừa qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao. Cụ thể, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn; giá khí LNG từ 6-8 USD/triệu BTU lên khoảng 20 USD/triệu BTU. Đồng thời, giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện cũng đều tăng cao.
EVN cam kết không tăng giá điện trong năm 2022, thậm chí cân đối lợi nhuận bằng 0 (Ảnh: Int) |
"Tuy nhiên, sau khi cân đối thì EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện. Chúng tôi sẽ cân đối làm sao chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là cho quá trình phục hồi do dịch Covia-19. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có thể cân đối được", Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho rằng, dưới áp lực từ các chi phí đầu vào cao như vậy, nếu các chi phí này tiếp tục tăng thì việc cân đối đầu vào là hết sức khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để đảm bảo mức giá bán điện hợp lý.
"Ở các năm sau, EVN sẽ tiếp tục cân đối các khoản này, thậm chí có thể lợi nhuận tiếp tục bằng 0, nhưng nếu giá đầu vào cao cũng không thể cân đối được. Do vậy, những năm tới, Chính phủ, các bộ ngành cũng tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích", đại diện EVN chia sẻ.
Trước đó, ngày 25/2, Bộ Công Thương đã chính thức công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN. Việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện được xem là căn cứ để xác định các chi phí đầu vào, nhằm xây dựng phương án giá điện cho năm tiếp theo.
Bộ Công Thương cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lỗ 1.307,29 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là 6.049,53 tỷ đồng, nên EVN vẫn lãi 4.742,24 tỷ đồng.
Trên thực tế, 2 năm qua (2020, 2021), trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá bán lẻ điện đã giữ ổn định, có những đợt giảm giá cho người dân, doanh nghiệp. Lần tăng giá gần đây nhất vào cuối tháng 3/2019, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36%, tương ứng giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.
Còn theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021 của EVN, doanh thu Tập đoàn đạt hơn 211.600 tỷ đồng và mức lợi nhuận trước thuế lên đến 10.127 tỷ đồng...
Có thể nói, giá điện tăng là một trong những mối lo lớn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân. Bởi một khi giá điện được điều chỉnh tăng thì chắc chắn sẽ làm đội chi phí sản xuất của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ dân phải trả thêm tiền điện mỗi tháng.
Được biết, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi EVN yêu cầu xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về phương án giá điện năm 2022 và công tác điều hành giá.
Minh Đức