Kể ra một số mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam có mặt trên hệ thống siêu thị ở Trung Quốc đang được người tiêu dùng nước này ưa chuộng như cà phê Trung Nguyên, bánh pía Sóc Trăng, rau quả sấy Đức Thành, bánh đậu xanh…, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, đánh giá đó là những mặt hàng xuất sang Trung Quốc chưa có dấu hiệu sụt giảm trừ khi có những quốc gia lân cận cạnh tranh.
Động lực từ mặt hàng chế biến
“Với những sản phẩm chế biến từ Việt Nam xuất sang mà người Trung Quốc đã thích rồi thì tôi thấy không những chưa có dấu hiệu ngừng, mà còn có xu hướng tăng nữa do đời sống của người dân nước này tăng cao và họ cần thêm nhiều món chế biến ngon của Việt Nam ”, ông Viên chia sẻ.
Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) một số ngành hàng nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm mạnh vì nhiều lý do, có thể thấy việc một số mặt hàng nông sản thực phẩm chế biến tìm được chỗ đứng ở thị trường này là điều đáng khích lệ cho xu hướng XK nông sản chế biến sâu thay vì loay hoay trồi sụt xuất thô như lâu nay với giá trị thấp.
Đơn cử như một doanh nghiệp (DN) ở Đồng Tháp chuyên sản xuất các loại bánh phồng làm từ trái cây cho biết có nhiều khách hàng Trung Quốc rất “ghiền” món bánh chuối phồng được chế biến từ quả chuối, thậm chí số lượng đơn hàng được đặt tới 20 tấn/tháng.
Mới đây, thông tin từ phía Trung Quốc cho biết vào giữa tháng 10/2019, lô sữa bò đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức được XK sang thị trường nước này. Có 5 DN chế biến sữa của Việt Nam vừa đạt giấy phép đủ tiêu chuẩn XK sữa bò sang Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ tăng kim ngạch XK sữa sang Trung Quốc từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD trong năm tới.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng vừa thông báo có 665 DN thủy sản của Việt Nam đủ điều kiện XK thủy sản sang quốc gia này.
Trong cái rủi của ngành hàng nông thuỷ sản XK sang Trung Quốc cũng có những cái may như vậy. Giới chuyên gia cho rằng các DN Việt cần gia tăng XK các sản phẩm chế biến nhằm bắt kịp xu hướng tiêu dùng ở thị trường này (nhất là giới trẻ), đặc biệt là xu hướng ăn vặt, các loại rau quả chế biến, sấy lạnh.
So với xuất thô, giá trị của sản phẩm chế biến khi XK là điều thấy rõ không chỉ với nông sản. Trong báo cáo mới đây về tình hình XK 9 tháng đầu năm, Bộ Công Thương có nhận định: khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến.
Cụ thể, trong khi XK nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái (do chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường Trung Quốc và gặp nhiều khó khăn về thị trường cũng như giá bán) thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng XK chung.
Các mặt hàng công nghiệp chế biến đang tạo động lực tăng trưởng XK |
Đầu tư mạnh cho R&D
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tính riêng 9 tháng qua, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,23% tổng kim ngạch XK, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Để tiếp tục đẩy mạnh XK trong thời gian tới đối với các hàng hoá từ công nghiệp chế biến, giới chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy XK chính ngạch các mặt hàng chế biến mà Việt Nam có lợi thế, cũng như phát triển những ngành phụ trợ cho công nghiệp chế biến để tăng tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị thu được từ sản phẩm chế biến XK.
Duy có điều, để XK chế biến sâu phát triển mạnh hơn nữa thì vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là với các nhà sản xuất nội địa thuộc dạng vừa và nhỏ. Muốn phát triển công nghiệp chế biến đòi hỏi DN cần đầu tư nhiều cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Trong khi đó, như khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), ở Việt Nam, 26% công ty vừa và lớn tuyên bố chi cho R&D, trong khi chỉ có 9% DN nhỏ có đầu tư vào R&D.
Không những vậy, so với các nước trong khu vực, có khá ít DN Việt Nam chi cho việc mua hoặc cấp phép cho các sáng chế và kiến thức để phát triển các sản phẩm và quy trình mới.
Cần phải thấy năng lực đổi mới trong công nghiệp chế biến là một trong những lý do để một số công ty trong nước có khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài về đa dạng sản phẩm, chất lượng và giá cả.
Ngoài ra, các công ty chế biến trong nước có liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia có động lực lớn hơn để đổi mới nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu đối với sản phẩm của họ.
Để gia tăng XK sản phẩm chế biến, điều quan trọng là các DN nội địa ngoài việc đầu tư mạnh cho R&D, đòi hỏi cần có mối liên kết hợp tác hơn với các đối tác bên ngoài để đổi mới sản phẩm chế biến, thay vì không liên kết mà chủ yếu dựa vào những nỗ lực của chính mình.
Thế Vinh