Khi được hỏi về công nghiệp chế biến trong ngành hàng nông sản hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản - quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh rằng muốn nông sản đứng vững trên thị trường điều đầu tiên là chất lượng sản phẩm, chỉ có thị trường mới là câu trả lời cuối cùng.
Ông Toản thừa nhận gần 90% lượng xuất khẩu (XK) nông sản vẫn là xuất thô, hàm lượng chế biến còn chưa nhiều. Chúng ta đang trên con đường chinh phục giá trị XK nông sản trên thị trường toàn cầu nhưng một trong những thách thức là công nghệ chế biến.
Vẫn là thách thức
Riêng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến tinh sâu trong ngành hàng nông sản, theo ông Toản, tính đến hồi năm ngoái, cả nước có 10 nhà máy trong lĩnh vực trồng trọt với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, trong lĩnh vực chăn nuôi có 6 nhà máy với vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng. Các nhà máy này đều áp dụng công nghệ chế biến hàng đầu.
"Chúng tôi hy vọng dần dần sẽ tạo lập một công nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông sản để có thể gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản Việt, đồng thời cũng là thị trường ứng dụng cho các sản phẩm khoa học công nghệ chế biến vào nông sản, chẳng hạn như công nghệ truy xuất nguồn gốc, blockchain..", ông Toản bộc bạch.
Nhắc đến lĩnh vực chế biến nói riêng trong ngành hàng nông sản để thấy rằng với công nghiệp chế biến nói chung còn rất nhiều việc để làm, mặc dù theo đánh giá mới đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm nay vẫn giữ được đà tăng với mức 10,9% cùng kỳ năm trước.
Việc đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghiệp chế biến là điều cần làm hiện nay, đặc biệt là cần thay đổi tư duy, kỹ năng theo sản xuất công nghiệp trong nông dân.
Đơn cử như hồi tháng 4 vừa qua, tại tỉnh Trà Vinh, công ty CP Lavifood đã động thổ một trung tâm hỗ trợ nông dân với quy mô lớn - trung tâm hỗ trợ nông dân đầu tiên trên cả nước, nhằm hỗ trợ và tư vấn các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường và quy hoạch chung; cung cấp và xây dựng giải pháp kỹ thuật và vật tư nông nghiệp cũng như hỗ trợ sơ chế và bảo quản nông sản kết hợp vùng trồng thực nghiệm tại đối với người nông dân tại địa phương.
Ngoài ra, hệ thống quản lý nông nghiệp E-Farm (kết hợp các công nghệ 4.0 IoT và AI) cũng được triển khai ở Trà Vinh nhằm giúp nông dân lập kế hoạch, giám sát và phân tích các hoạt động trên vùng trồng một cách chủ động, dễ dàng.
Hệ thống này được cho là có thể giúp nông dân và các HTX nông nghiệp theo dõi số lượng và chi phí sử dụng, giờ làm việc cho mọi hoạt động trong vùng trồng, quản lý doanh thu và lợi nhuận cho từng mùa vụ.
Công nghiệp chế biến giúp tăng giá trị nông sản |
"Động chạm" công nghệ
Nói về áp dụng công nghệ chế biến trong nông sản, Ts. Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao Tp.HCM, lưu ý việc phát triển sản phẩm nông sản đáp ứng thị trường trong và ngoài nước là phải "động chạm" đến công nghệ 4.0, đến công nghệ blockhain truy xuất nguồn gốc - những vấn đề mà cả thế giới quan tâm.
"Yêu cầu của chuỗi cung ứng nông sản đã bắt buộc toàn bộ hệ thống cung ứng cần có những công nghệ mới", ông Trung nhấn mạnh.
Theo Ts Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc công ty Giải pháp công nghệ Minerva, những "ông lớn" trong ngành hàng nông sản thực phẩm hiện nay đều phải ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng các dây chuyền và làm thế nào để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những ứng dụng trong chuỗi giá trị chế biến nông sản, như chia sẻ của ông Nam, hiện nay rất nhiều. Trong đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối (IoT) để làm cho việc chế biến nông sản trong nhà máy, cơ sở sản xuất được chất lượng hơn, an toàn hơn là xu hướng cần phải sớm áp dụng.
Giới chuyên gia cho rằng trong những năm tới, ngành hàng nông sản Việt cần lồng ghép ở mức độ ngày càng cao tri thức vào quá trình ra quyết định, các kỹ thuật sản xuất, các quy trình quản lý từ cấp nông hộ trở đi.
Chẳng hạn, nông dân sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, đồng thời tăng năng suất, giảm đầu vào nếu biết chọn sản xuất cái gì và như thế nào dựa trên bằng chứng và nắm vững kiến thức về nguồn lực, thời tiết, kiểm dịch thực vật và các rủi ro khác, về thị hiếu của người tiêu dùng (trong đó có các quy trình sản xuất xanh) và tình hình giá cả.
Nông dân cũng sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh nếu có được những giải pháp khoa học tối ưu để đối phó với từng thách thức cụ thể. Để chuyển từ nền nông nghiệp thiên về sử dụng tài nguyên sang nền nông nghiệp tri thức, ít nhất đòi hỏi phải có những thay đổi lớn về cách thức người nông dân học hỏi, tiếp cận các thông tin kỹ thuật, thương mại.
Công nghiệp chế biến nông sản cũng cần tăng cường hiệu quả tiếp thu công nghệ, không chỉ của nông dân mà của cả các doanh nghiệp (DN) kinh doanh nông nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, khả năng tiếp thu công nghệ của nông dân và DN kinh doanh nông nghiệp hiện vẫn đang là một khâu yếu ở Việt Nam.
Do DN nông nghiệp còn thiếu năng động trong việc nắm vững các quy trình, công cụ mới nên dẫn đến những khiếm khuyết trong hệ thống đổi mới sáng tạo trong chế biến nông sản.
Điều đáng nói là việc phát triển các công nghệ mới hay cách làm mới vẫn còn bị tách rời khỏi hoạt động của DN, hoặc DN chỉ tham gia hạn chế trong các quy trình đổi mới sáng tạo.
Thế Vinh