Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức ngày 6/1, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng năm 2020 tiếp tục là năm gian nan, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp (DN) vì xu thế kinh tế thế giới giảm tốc. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của DN và nền kinh tế có vấn đề.
Chỉ 60% doanh nghiệp hoạt động có lãi
Chủ tịch VCCI nhận định thương chiến Trung - Mỹ bùng nổ trong năm 2010 gây ra nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta đã nỗ lực vượt lên thông qua những chỉ số kinh tế vĩ mô.
Lần đầu tiên, quy mô kinh tế của Việt Nam lọt top 50 nền kinh tế thế giới, bên cạnh đó, tốc độ phát triển của DN quy mô lớn rất nhanh, cộng đồng DN nhỏ đang sinh sôi.
Mặc dù vậy, theo ông Lộc, năm 2020 tiếp tục là năm gian nan, khó khăn, thậm chí khó khăn hơn với DN vì xu thế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của DN và nền kinh tế vẫn có vấn đề.
Ông Lộc dẫn chứng tăng trưởng của năm 2019 cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, đạt hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. Tỷ lệ DN hoạt động có lãi trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 60%.
Thực tế cho thấy nguồn thu ngân sách được đóng góp từ sản xuất kinh doanh của DN 3 năm qua đều không đạt kế hoạch, như vậy là không bền vững. Chưa kể tình trạng tồn kho cũng đang tăng lên, chứng tỏ “sức khỏe” của DN Việt còn yếu và chưa có dấu hiệu cải thiện. Đầu tư mới của DN cũng vì thế mà khó khăn theo, nếu không có những cải cách mạnh mẽ hơn.
Cùng với đó, xuất khẩu (XK) của Việt Nam phần lớn ở các thị trường đều sụt giảm, trừ Mỹ; 70% kim ngạch XK vẫn thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài hay 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, là nhóm lĩnh vực kinh tế còn “hoang sơ”…
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cho rằng dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4 như mục tiêu đề ra. Nếu tập trung giải quyết các điểm nghẽn về luật pháp liên quan đến đầu tư kinh doanh thì đây sẽ là điểm đột phá lớn. Như vậy có nhiều vấn đề cần triển khai để bức tranh kinh tế của năm tới tươi sáng hơn chứ chưa nói đến bứt phá.
“Chính phủ đang chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết những điểm chồng chéo trong kinh doanh, đó có thể là điểm đột phá của năm 2020”, ông Lộc nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), băn khoăn về sụt giảm nguồn thu: “Rất đáng lo khi có 2 nguồn thu lớn nhưng những năm gần đây đều giảm. Thứ nhất là nguồn thu từ dầu thô trong những năm 1990 chiếm tỷ trọng lớn nhưng hiện nay chỉ còn 3-4%. Nguồn thu thứ hai là thuế thu nhập DN cũng đang giảm. Có đến 60% DN không phát sinh thuế, cùng với đó các hiệp định thương mại tự do làm giảm thuế tại cảng.
![]() |
“Gỡ” điểm nghẽn về đầu tư kinh doanh sẽ là điểm đột phá lớn cho nền kinh tế năm 2020 |
Doanh nghiệp nước ngoài kỳ vọng
Thứ hai, một nguồn thu rất lớn khác là thuế từ đất cũng đang giảm rất mạnh. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân đang tăng, nhưng không thể bù thuế từ đất”. Chỉ có nguồn thu từ các loại phí đang phần nào bù đắp thiếu hụt nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Từ những phân tích trên, ông Thành nhấn mạnh nhìn về dài hạn, điểm sáng của kinh tế Việt Nam vẫn là sự tăng trưởng của DN tư nhân.
Dù các chuyên gia đưa ra những kịch bản khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, song ở góc độ của các DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, các DN Mỹ vẫn tin vào tương lai tươi sáng của kinh tế Việt Nam.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, chia sẻ: “Từ góc độ thể chế, tôi thấy rằng năm 2020 có cơ sở để hy vọng, mà đây là hy vọng không phải của tôi mà của các DN Mỹ mà tôi có liên quan. Theo dõi động thái của Đảng, Chính phủ trong vài năm qua, cộng đồng DN Mỹ có cơ sở tin rằng năm 2020 sẽ có nhiều tin vui hơn tin buồn”.
Đồng tình, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng 2019 không phải là năm quá khó khăn như Chủ tịch VCCI nói.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, năm 2019 vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển. Thứ nhất là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, vốn đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD, làm cho áp lực về vốn đối với nền kinh tế giảm đi. Khi dòng vốn ổn định thì lãi suất cũng ổn định hơn, điều này giúp nền tảng vĩ mô ổn định.
Điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực DN tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, XK của DN trong nước vẫn tăng trưởng 8%. Các DN tư nhân đang XK ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có DN tư nhân đã XK cả máy móc.
Năm 2019, thặng dư thương mại trên 10 tỷ USD, khiến dự trữ ngoại hối tăng. Từ 2011 đến nay liên tục thặng dư cán cân thương mại vãng lai, là điều kiện kinh tế quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng vốn rẻ rồi dần chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu.
Về kỳ vọng và động lực của năm 2020, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công nhưng năm 2020, các điểm nghẽn này sẽ được giải quyết, những thủ tục vướng mắc của năm 2019 đã được giải quyết nên năm 2020 vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Năm 2018 ra Nghị định 20 có hiệu lực chỉ còn một tháng, đến năm 2019 đã được giải quyết và năm 2020 có thể tăng giải ngân đầu tư công, đồng thời kích hoạt được dòng vốn tư nhân.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, cho rằng cần vai trò lớn hơn của nền kinh tế tư nhân để vượt qua các thách thức, thích ứng với các chuẩn mực quốc tế.
Trong thời gian tới khi Hiệp định EVFTA được phê duyệt, EU là một thị trường XK lớn của Việt Nam. Việt Nam cần duy trì kết nối tốt với EU và Mỹ.
Thanh Hoa
Đại sứ Phạm Quang Vinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Năm 2019, dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa những rủi ro của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguy cơ này sang năm 2020 sẽ nhiều hơn. Theo đó, những gì chúng ta đã làm được trong năm 2019 thì cần phải được củng cố và phát triển thì mới đủ năng lực để chống lại những rủi ro và tiếp tục đi lên trong năm mới này. Ts. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực. Theo đó, nếu sang năm 2020 mà chúng ta không “thông” được thì sẽ tắc thêm mấy năm nữa, nên có thể thấy vai trò của đầu tư công ảnh hưởng rất lớn. Ts Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Dự báo tăng trưởng GDP năm tới có thể trong khoảng 6,6-6,8%, nhưng muốn đạt được mức cận trên cũng không đơn giản. Thách thức từ biến động địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng khiến mục tiêu tăng GDP năm tới không dễ và Chính phủ sẽ phải “rất quyết liệt” nếu muốn đạt mục tiêu Quốc hội giao. |