Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến của đại biểu đã bày tỏ lo ngại về "sức khỏe" của khối doanh nghiệp (DN) tư nhân hiện nay.
Đánh giá năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, thu ngân sách vượt dự toán, bội chi giảm, thu hút FDI tăng, tuy nhiên, Đại biểu Trần Tất Thế, đoàn Hà Nam, bày tỏ lo ngại trước khoản nợ công mà đất nước đang phải gánh.
Báo động tỷ lệ DN phá sản
Ông Thế cho biết theo tính toán, trong thời gian tới mỗi tháng, Việt Nam phải trả nợ 21.000 - 27.000 tỷ đồng. "Với tình hình như vậy, chúng ta phải đi vay để trả nợ", ông Thế dự báo.
Đặc biệt, đại biểu Thế lo lắng trước tình trạng số lượng DN phá sản, dừng hoạt động vẫn lớn, chứng tỏ nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận), đánh giá tốc độ phát triển DN đang tăng cao nhưng số DN ngừng hoạt động còn lớn (trong đó phần lớn là DN vừa và lớn), phản ánh tình hình không thuận trong môi trường đầu tư, cơ chế chính sách.
Mặt khác, việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên DN còn khó khăn, kết quả đạt được rất thấp. Qua tìm hiểu lý do, nếu là hộ kinh doanh đóng thuế ít hơn, lên DN phải đóng thuế nhiều hơn. Chưa kể, trở thành DN còn chịu sự ràng buộc bởi nhiều thủ tục hành chính phức tạp.
Theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), kinh tế, ngân sách năm 2018 là bức tranh đẹp và toàn diện nhưng mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng thiếu bền vững, công nghiệp vẫn còn tính gia công lớn, trình độ công nghiệp sản xuất thấp so với thế giới, nội lực nền công nghiệp yếu phụ thuộc FDI, khu vực dịch vụ phát triển hạn chế...
Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Do vậy, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2019 đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu, có lĩnh vực là động lực chính cho tăng trưởng 2018 đang giảm tốc như sản xuất sản phẩm điện tử... Vì vậy, đại biểu Hàm cho rằng việc đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải tiến hành căn cơ và toàn diện.
Đặc biệt nhấn mạnh về phát triển DN, Đại biểu Hàm cho biết DN là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng cho tăng trưởng. Tuy nhiên, cứ 10 DN gia nhập, thì có 5 DN rời thị trường. Đến nay, DN vừa và nhỏ chiếm hơn 98% tổng số DN cả nước. Trong tổng số DN hoạt động, chỉ có khoảng 40% DN có lãi. Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối DN còn thấp.
Trước tình hình phát triển DN như trên, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020.
Luật DNNVV có hiệu lực 2 năm nay nhưng rất ít DN được hỗ trợ |
Một triệu DN vào 2020 có khả thi?
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chỉ ra thực trạng, bất cập thu hút của các DN FDI. Nhiều DN luôn mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư nhưng báo lỗ, chuyển giá, vẫn dừng ở gia công, lắp ráp… Đại biểu Thưởng đề nghị Chính phủ cần đánh giá thêm sự tăng trưởng do thu hút đầu tư mang lại để có chính sách hỗ trợ DN trong nước.
Về cải cách thủ tục hành chính, ông cho rằng mới chỉ dừng lại ở việc cắt giảm đầu thủ tục nhưng thời gian thực hiện lại dài thêm, phức tạp hơn. Cùng với đó là tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
Hoài nghi mục tiêu đạt 1 triệu DN vào 2020, đại biểu Thưởng đề nghị Chính phủ tổng điều tra DN trên cả nước, nắm bắt chính xác số lượng thực sự và thực trạng mà DN đang gặp phải. Qua đó, Nhà nước có chính sách phù hợp để hỗ trợ DN, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN nhỏ và vừa.
"Tránh tình trạng DN khởi nghiệp phải chọn nước khác để đặt nền móng vì không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước", Đại biểu Thưởng cảnh báo.
Theo Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh, năm 2018, báo cáo của Chính phủ giải thích sự sụt giảm thu ngân sách nhà nước là do số DN thành lập mới tăng nhưng số DN chấm dứt hoạt động cũng gần tương đương.
Tuy nhiên, điều bà Thơ băn khoăn là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thông qua năm 2017 với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất, đất đai mà "tại sao có nhiều DN giải thể, phá sản như vậy. Cần có sự nhìn nhận lại và đánh giá lại tác động chính sách sau 2 năm thực hiện Luật".
Trong đó, bà Thơ cho rằng cần đánh giá chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa thành lập trên cơ sở từ hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia chuỗi giá trị.
Nhiều DN cho biết, họ chưa nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, vẫn đang phải tìm hỗ trợ từ các nguồn khác nhau theo nhu cầu phát triển của mình. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ sự thiếu đồng hành của chính quyền địa phương. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn lớn lên thành DN do lo sợ thủ tục hành chính.
Trước tình hình trên, Đại biểu Trần Tất Thế đề nghị Chính phủ phân tích rõ, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để khích lệ DN phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Theo Đại biểu Thế, mặc dù công tác cải cách hành chính đã đạt được nhiều thành tích nhưng trên thực tế, người dân, DN vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản khi thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước.
Đến nay, 30% số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ nhưng kết quả này vẫn còn chậm và chưa đi vào thực chất. Sửa đổi chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không cải thiện, nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số ĐKKD nhưng nội dung và hiệu quả vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Có điều kiện kinh doanh "ẩn", gây khó cho DN.
Bên cạnh đó, Đại biểu Thế cho rằng hộ kinh doanh cá thể không mặn mà lên DN là thủ tục hành chính phức tạp, phiền phức. Do vậy, Chính phủ cần phải chuyển mạnh từ quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý nhiều cơ quan, quyết liệt chỉ đạo bộ ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia.
Lê Thúy
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh Để đạt 1 triệu DN vào năm 2020, Chính phủ cần quan tâm đến hộ kinh doanh cá thể vì đây là nguồn lực rất quan trọng. Chính phủ cần đánh giá kỹ nguyên nhân, thực trạng ngừng hoạt động của DN, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN còn khó khăn để có giải pháp cụ thể. Bà Nguyễn Thị Phúc - Đại biểu Quốc hội Đoàn Bình Thuận Để đạt được mục tiêu chính sách hỗ trợ DN kịp thời, từ lúc thành lập đến khi rời bỏ thị trường cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, quan tâm tạo điều kiện hưởng đúng, hưởng đủ theo các chính sách pháp luật được ban hành. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải đồng hành cùng DN, thực sự là một Chính phủ kiến tạo. Ông Nguyễn Tạo - Đại biểu Quốc hội Đoàn Lâm Đồng Kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản khó khăn về thủ tục hành chính, chịu nhiều bất bình đẳng. Những định kiến, nút thắt không chỉ phát sinh từ quá trình ban hành chính sách mà còn ở việc hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách. Những tồn tại này cần nhìn nhận một cách đầy đủ, đánh giá đúng thực trạng, mức độ, kê "đơn thuốc" đầy đủ mới có thể chữa được. |