Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia, trong số các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam thì khó khăn về vốn được đặt lên cao nhất.
Giữ mức “siêu nhỏ”
Có 62% số DNNVV được hỏi trả lời gặp khó về nguồn vốn (chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc…), tiếp đến là khó khăn về nguồn khách hàng với 60%, về nhà xưởng với 55%, về pháp lý với 45%.
Chia sẻ với giới DN ở Tp.HCM ngày 3/10 tại hội thảo “Các trợ lực để DNNVV ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số”, bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu InsightAsia, cho biết cho đến nay, nhiều DN vẫn đang tiếp tục giữ mức “siêu nhỏ” hoặc nhỏ mặc dù họ mong muốn có môi trường sản xuất hiệu quả, ổn định, có thể phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và về lâu dài có thể sở hữu nhà xưởng.
Trong khi đó, về mặt bằng sản xuất, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Chuyên gia phát triển dự án Khu công nghiệp (KCN) – Phó Tổng giám đốc Kizuna, cho rằng hiện tại bên cạnh mô hình KCN truyền thống – vốn rất khó để DNNVV tiếp cận, các công ty bất động sản KCN cũng nên nghiên cứu mô hình KCN kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo.
Đồng thời, các KCN cũng có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với với quy mô nhỏ và cần đồng hành cùng khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu đầu tư nhà xưởng sản xuất và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất. Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho DNNVV, vốn gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tp.HCM, cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện lý giải tại sao DNNVV thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ.
Đó là vì DNNVV còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động (như nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai).
Hơn thế nữa, DNNVV còn đối mặt với gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương.
Nhiều DN Việt vẫn đang tiếp tục giữ mức “siêu nhỏ” hoặc nhỏ |
Khó cải thiện năng suất
Trong vấn đề năng suất sản xuất của DNNVV, cũng nên nhắc lại bản nghiên cứu “Kinh tế tư nhân Việt Nam – Năng suất và Thịnh vượng” được thực hiện cách đây không lâu bởi công ty Tư vấn về Quản lý Kinh tế (Economica) nêu rõ tình trạng năng suất thấp và tốc độ tăng năng suất thấp của nền kinh tế có liên quan tới thực trạng phần lớn các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Ts. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Viet Nam, cho rằng quy mô nhỏ và tính không chính thức làm hạn chế khả năng của các DN trong nước tận dụng các lợi thế có được nhờ kinh tế quy mô, chuyên môn hóa, cải thiện trình độ tinh vi trong hoạt động, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo – tất cả các yếu tố có tính chất quyết định đối với việc nâng cao năng suất.
Các DN siêu nhỏ và nhỏ hiện chiếm số lượng áp đảo trong khu vực DN trong nước. Nếu tính cả gần 4 triệu hộ kinh doanh, bức tranh về quy mô DN trong nước của Việt Nam còn mất cân đối hơn nữa, vì đại đa số các hộ kinh doanh đều có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Điều đáng nói, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam do khu vực này đóng góp 1/3 GDP, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, cung cấp sinh kế cho hàng chục triệu người trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện và trở nên thuận lợi hơn để các DN siêu nhỏ này phát triển hơn nữa về quy mô, cải thiện phương thức sản xuất kinh doanh và tham gia khu vực DN chính thức, Việt Nam sẽ không thể hiện thực hóa được các tiềm năng để nâng cao năng suất.
Để có thể thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Liêm khuyến nghị những chính sách và pháp luật có liên quan tới DNNVV cần thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các DN đang gặp phải.
“Các chính sách phải thật thiết thực, gần gũi với DN nhỏ, cụ thể như hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp. Thêm vào đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh là cần thiết, giúp DN xóa bỏ các loại chi phí không chính thức mà họ đang phải gánh chịu như hiện nay, giảm bớt các cuộc thanh kiểm tra không cần thiết với DNNVV”, ông Liêm lưu ý.
Còn theo bà Trần Liên Phương, những điểm yếu của DNNVV cùng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới khiến họ sẽ còn gặp khó trong tương lai. Việc cần làm của khối DN này là phải chủ động trước cơ hội lẫn thách thức. Không những vậy, các DNNVV cần phải có chiến lược phù hợp, hiệu quả để thích nghi và thay đổi.
Thế Vinh