Theo dự kiến vào đầu năm 2022, CTCP Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang (ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) sẽ đưa vào vận hành dây chuyền chế biến sản phẩm từ dừa có công suất 300.000 trái/ngày đêm.
Hướng đi đúng cho doanh nghiệp
Hồi tháng 10/2021 vừa rồi, nhà máy chế biến nông sản của doanh nghiệp (DN) này đã đưa vào vận hành chính thức dây chuyền chế biến rau quả cấp đông, chủ yếu sử dụng các loại trái cây chủ lực của tỉnh như thanh long, xoài, mít, chuối…
Kỳ vọng trái cây chế biến thâm nhập sâu vào các thị trường tỷ đô như Mỹ, EU. |
Để gia tăng giá trị kim ngạch XK trái cây, tỉnh Tiền Giang - địa phương có diện tích cây ăn quả dẫn đầu cả nước với trên 79.000ha, gồm 11 loại cây chủ lực, cho sản lượng mỗi năm trên 1,5 triệu tấn quả, đang thu hút DN đầu tư vào các nhà máy chế biến rau quả.
Đặc biệt trong bối cảnh công suất chế biến trái cây vẫn còn khá khiêm tốn (chỉ hơn 50.000 tấn/năm), việc tăng công suất chế biến sẽ giúp Tiền Giang vừa đa dạng hóa sản phẩm vừa tăng sức cạnh tranh cho hoạt động XK trái cây.
Còn ở “thủ phủ dừa” Bến Tre, giữa bối cảnh “sống chung” với dịch Covid-19, hoạt động khôi phục công nghiệp chế biến trái cây của các DN đang tiến triển tốt. Điển hình như CTCP Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) vẫn đang giữ được chuỗi cung ứng XK dù công suất hoạt động và sản lượng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh.
Trong giai đoạn hồi phục sản xuất, DN đã nỗ lực hoàn thành lắp đặt dây chuyền sản xuất và thương mại hóa được dòng sản phẩm mới là sữa dừa trái cây, được thị trường đón nhận rất tốt. Mặt hàng này đang được XK mạnh vào thị trường Mỹ, bình quân khoảng 8 container/tháng.
Theo ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Beinco, các sản phẩm chế biến từ dừa Bến Tre vẫn được khách hàng thế giới đón nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Đông…
Hoặc như tại Đồng Tháp, như chia sẻ của ông Phạm Thế Hải, Giám đốc CTCP Tinh bột Xanh, DN này đang tất bật sản xuất các đơn hàng cuối năm khi một số thị trường XK chủ lực như EU, Úc, Mỹ bắt đầu có dấu hiệu lạc quan trở lại.
Ông Hải cho biết, các đối tác đã bắt đầu quay lại đặt hàng, DN cũng đang chào hàng một số sản phẩm chế biến mới sang các thị trường này. Bên cạnh thị trường XK có dấu hiệu khởi sắc, thị trường nội địa cũng có nhiều tín hiệu vui.
Lợi thế cạnh tranh của DN là các sản phẩm tinh bột chế biến từ rau quả như sắn, bột biến tính, khoai lang, dong riềng và đang phát triển thêm các dòng sản phẩm chế biến mới từ rau quả như như nui ngũ sắc, bánh canh ngũ sắc, bánh canh khoai lang tím… Vừa để tập trung cho thị trường xuất khẩu, DN đang đẩy mạnh vào các kênh phân phối mới của thị trường nội địa.
Kỳ vọng thâm nhập sâu những thị trường tỷ đô
Có thể nói, việc phát triển mảng chế biến rau quả như các DN nêu trên đang là hướng đi đúng nhằm tạo thế trụ vững trên thị trường XK. Bởi lẽ, theo dự báo mới đây thì thị trường rau quả chế biến toàn cầu có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2027.
Trong đó, có nhiều thị trường nhập khẩu (NK) trái cây chế biến rất tiềm năng được ví như “mỏ vàng” với giá trị NK hàng tỷ USD mà các nhà XK của Việt Nam cần đẩy mạnh khai phá. Điển hình như thị trường EU với giá trị NK trái cây chế biến hồi năm 2020 đã đạt 25,22 tỷ USD.
Tuy nhiên, trị giá XK trái cây chế biến của Việt Nam sang EU vẫn còn ở mức thấp. Việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thúc đẩy XK trái cây chế biến của Việt Nam sang thị trường này vẫn đang được kỳ vọng nhiều.
Xu hướng tiêu dùng trực tuyến ở EU được cho là sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương cho trái cây chế biến của Việt Nam trong thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), tiêu dùng trực tuyến và sự nở rộ thương mại điện tử ở EU là điều mà các nhà XK cần quan tâm.
Bà Hiền cho biết, tại EU hiện có hơn 220 triệu người tham gia mua sắm xuyên biên giới, chiếm 25,5% trong tổng doanh số bán hàng trực tuyến ở đây.
Giới chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới đang mang lại cơ hội ngày càng lớn cho XK trái cây chế biến của Việt Nam vào EU.
Mặc dù ngành hàng rau quả đang nằm trong nhóm ngành hàng của Việt Nam đã tận dụng tốt EVFTA, nhưng giá trị kim ngạch XK rau quả vẫn còn khá khiêm tốn. Cho nên, việc XK các sản phẩm trái cây chế biến vào EU rất cần tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội từ EVFTA để gia tăng kim ngạch XK.
Hay như thị trường Mỹ cũng là thị trường NK đầy tiềm năng cho trái cây chế biến của Việt Nam. Trong năm 2021 này, giá trị NK trái cây vào thị trường Mỹ được cho là có thể lên tới 15,1 tỷ USD.
Theo giới chuyên gia, thị trường Mỹ có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau quả. Hơn nữa, tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm trái cây mới từ vùng nhiệt đới như của Việt Nam.
Cho nên, việc XK trái cây chế biến của Việt Nam cần nhắm vào những yếu tố như vậy để gia tăng kim ngạch. Đặc biệt là cần tận dụng hệ thống phân phối tại Mỹ - vốn phát triển đa dạng, nhiều cấp, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ.
Thế Vinh