Số liệu thống kê các giao dịch qua hệ thống thanh toán từ xa Payoo (liên kết gần 20.000 điểm chấp nhận thanh toán) tính từ đầu tháng 10 đến nửa đầu tháng 11/2021 cho thấy, tỷ lệ phục hồi chung của ngành F&B chỉ đạt khoảng 20 - 30%.
Khó gượng dậy “một sớm một chiều”
Mặc dù dữ liệu này không phải là thông tin cho toàn thị trường F&B, nhưng rất đáng để lưu tâm trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng này “sống chung” với dịch Covid-19 trong bình thường mới.
Ngành F&B không thể gượng dậy “một sớm một chiều” khi còn nhiều khó khăn ở phía trước. |
Như ở Tp.HCM, sau các tháng giãn cách xã hội, doanh thu mảng dịch vụ ăn uống trong bình thường mới hồi tháng 10/2021 vừa rồi được ghi nhận tăng 13,5% so với tháng trước. Thế nhưng, mức doanh thu này vẫn giảm 92,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Qua quan sát của VnBusiness vào giữa tháng 11, mặc dù các hàng quán ở Tp.HCM đang dần dần hoạt động trở lại nhưng không phải quán nào cũng đông khách, thậm chí là ế ẩm khi tâm lý dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm nhiều người vẫn e ngại ra quán ăn uống tại chỗ.
Để ngành F&B phục hồi như thời điểm tháng 4/2021, nhiều ý kiến cho rằng sẽ cần thêm nhiều thời gian khi mà người kinh doanh còn dè dặt và bất định về tương lai. Những rủi ro chực chờ làm nhiều người chần chừ đầu tư, mở rộng kinh doanh hàng quán. Đặc biệt là khi họ đã mất quá nhiều trong suốt 2 năm qua, rất khó để gượng dậy ngay trong “một sớm một chiều”.
Theo chia sẻ của chuyên gia F&B Brian Đặng, dịch Covid-19 làm cho nhiều người giảm thu nhập, dẫn đến giảm chi tiêu, sức mua hàng giảm theo. Hệ luỵ kéo theo là doanh thu các quán ăn uống sụt giảm.
Ông Đặng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại nếu mô hình nào càng lớn sẽ bị ảnh hưởng càng mạnh. Những quán ăn uống nào có quy mô rộng, phục vụ tại chỗ nhiều, doanh thu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với những mô hình tinh gọn nhỏ như kiểu “Take Away” (mua cà phê mang đi) hay các ki ốt nhỏ.
Đây chính là lý do mà cuối tháng 10 vừa rồi, chuỗi cà phê The Coffee House đã đóng bớt chi nhánh và tập trung xây dựng các cửa hàng nhỏ trên phố, ki ốt và xe đẩy, tại những địa điểm gần nơi sinh sống, làm việc và mua sắm của khách hàng…
Trên cơ sở dự báo thị trường F&B hậu đại dịch, từ nay cho đến đầu năm 2022, chuỗi cà phê này sẽ tập trung phát triển những điểm bán “thu nhỏ di động”.
Tương tự, để hướng đến bán mang đi, các thương hiệu F&B khác như Highlands Coffee, McDonald's, Vua Cua... cũng đang phát triển mô hình ki ốt, xe đẩy như vậy.
Ngoài ra, phân tích về khó khăn hiện tại của các DN trong ngành hàng F&B, chuyên gia Brian Đặng lưu ý việc tăng giá thành các nguyên vật liệu chế biến làm cho chi phí hàng bán tăng.
Cơ hội qua sàng lọc
Có thể thấy điều khiến những người kinh doanh F&B phải “đau đầu” khi giải bài toán doanh thu giảm, nhưng chi phí lại tăng. Mâu thuẫn và nghịch lý này đủ để lĩnh vực F&B hồi phục một cách khiêm tốn.
Ngoài ra, chuyên gia Brian Đặng nhận định tình hình cạn kiệt về tài chính do “đóng băng” trong thời gian dài bởi giãn cách xã hội đã làm mất đi sự cạnh tranh của người kinh doanh F&B trong tương lai. Khi dòng tiền không dồi dào như trước đây thì “sống chung” với dịch Covid làm nhiều người kinh doanh F&B e ngại trong vấn đề chạy khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng…
Bù lại, những chuỗi F&B lớn, khi tái thiết trong bối cảnh “sống chung” với dịch Covid-19 đã đặt ra những chương trình khuyến mãi mạnh để rút lại lượng khách hàng.
Đặc biệt, như ghi nhận gần đây của Payoo, một số chuỗi cửa hàng có những chiến lược bán và giao hàng tốt, cộng hưởng với nhu cầu của người dùng rất cao dù mua mang về nên đã có mức phục hồi ấn tượng, thậm chí cao hơn lúc trước dịch.
Có thể nói, với những hàng quán F&B đơn lẻ sẽ mất đi sự cạnh tranh, và dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, ông Brian Đặng ghi nhận người tiêu dùng đang thay đổi thói quen của mình. Ví dụ bình thường mỗi tuần khách hàng có thể ra quán uống cà phê khoảng 6 lần, nhưng từ lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, những người này bắt đầu có thói quen tự pha cà phê uống tại nhà.
Và khi đã uống cà phê tại nhà quen rồi thì việc điều chỉnh để ra quán đối với khách hàng sẽ tương đối chậm. Khi dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, họ sợ đi ra đường tiếp xúc người này người kia, nên vẫn giữ thói quen mua nguyên liệu cà phê để chế biến và uống tại nhà.
Mặc khác, việc phục vụ tại chỗ vẫn bị giới hạn nhất định cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu phục vụ tại chỗ. Lúc này, công suất của quán ăn uống sẽ không được tối ưu. Ngoài ra, rủi ro còn nằm ở tình trạng đóng - mở cửa thất thường khi khu vực quanh quán có ca nhiễm.
Với những khó khăn như vậy, thị trường F&B ở Việt Nam thời gian tới được đánh giá sẽ có sự sàng lọc mạnh khi “sống chung” với dịch Covid-19.
Thế nhưng, đó lại là cơ hội khi giảm đối thủ cạnh tranh, rồi giá thuê mặt bằng giảm và xuất hiện nhiều vị trí tốt để lựa chọn. Không những vậy, còn tạo sức ép để các nhà kinh doanh F&B chuyển mình mạnh mẽ nhằm thích nghi và phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Thế Vinh