Mặc dù Khánh Hoà đang là địa phương đứng thứ 6 ở Chỉ số về giao dịch B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) trong Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021, thế nhưng việc thu thuế TMĐT ở tỉnh này vẫn còn khá khiêm tốn.
Vừa thất thu thuế vừa nguy hại
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, tổng số thu được từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn Khánh Hoà chỉ vỏn vẹn gần 1 tỷ đồng. Số thuế thực tế thu được này rõ ràng có hạn chế so với sự phát triển mạnh của kinh doanh TMĐT tại địa phương.
Cần có thêm công cụ để “siết” chuyện tránh né, trốn thuế kinh doanh online. |
Nhìn vào số thu thuế thực tế thu được này, nhiều ý kiến tiếp tục đặt vấn đề về chuyện tránh né thuế, trốn thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trực tuyến (online) ở đây.
Và đó không chỉ là chuyện riêng ở Khánh Hoà mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước khi xu hướng kinh doanh online ngày càng nở rộ như hiện nay.
Không những vậy, ở một số trang mạng xã hội như Facebook, theo phản ánh mới đây cho thấy vẫn đang tồn tại những chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online bằng việc che giấu doanh thu, thông tin.
Nhất là có những trang Facebook có lượng người theo dõi livestream (phát sóng trực tiếp) thu hút từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn lượt xem. Doanh thu bán hàng online từ các trang như vậy mỗi tháng có thể từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng nhưng lại nộp thuế 0 đồng.
Chiêu trò tránh né thuế của những người kinh doanh online hiện nay nằm ở việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, nhờ nhân viên giao hàng thu tiền hộ, khách nhận hàng mới trả tiền. Họ cũng không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng…
Chính việc không phải nộp thuế, bán hàng giá rẻ của một số cá nhân, tổ chức kinh doanh online đã phần nào làm tổn hại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính vốn đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Từ chuyện tránh né thuế, trốn thuế trong kinh doanh TMĐT, như chia sẻ của Gs.Ts. Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc đó không chỉ làm thất thoát nguồn thu ngân sách mà còn nguy hại hơn khi tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Vì vậy, ông Cường lưu ý vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong lĩnh vực này là cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho các hoạt động kinh doanh TMĐT.
“Trong TMĐT thì việc quản lý thuế rất khác so với quản lý thuế trực tiếp. Vấn đề cần phải xem ai là người phải có trách nhiệm kê khai, phải nộp vì hoạt động kinh doanh này trải qua nhiều khâu”, ông Cường nói.
Tránh trường hợp thu hai lần thuế
Do đó, để tránh thất thu trong quản lý thuế TMĐT, giới chuyên gia cho rằng cần chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm những người nhận tiền từ kinh doanh trực tuyến đang có mặt ở Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế.
Nhóm thứ hai là những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ ở trong nước nhưng họ nhận tiền ở nước ngoài thông qua tài khoản và không nhận trực tiếp ở Việt Nam. Với trường hợp này, đòi hỏi cơ quan quản lý thuế phải thực hiện việc cắt thuế, khấu trừ thuế ngay tại nguồn nếu như người ta không kê khai.
Khi thực hiện việc khấu trừ thuế tại nguồn như vậy, tới lúc thanh toán trả tiền dịch vụ, sản phẩm thì ngân hàng sẽ đứng ra khấu trừ luôn. Có như vậy, sẽ phần nào tránh được thất thu thuế từ TMĐT.
Nhưng ngược lại, với những người kinh doanh online cố tình tránh né thuế, giới chuyên gia nhấn mạnh là cần phải có công cụ về mặt kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp bịt kẽ hở để họ không thể trốn tránh được hoạt động thu nhập trong tài khoản là kinh doanh online hay chỉ là chuyển tiền đơn thuần, vay mượn nhau.
Việc sử dụng công nghệ số sẽ giúp phát hiện những người kinh doanh online có thu nhập nhưng không kê khai thuế. Từ đó sẽ có biện pháp xử lý thật nghiêm những người tránh né thuế như vậy.
Ngoài chuyện “siết” trốn tránh thuế thì việc sử dụng các công cụ quản lý để tránh cho người kinh doanh online không bất an với thuế cũng là cả vấn đề được đặt ra.
Mới đây, khi góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có bày tỏ băn khoăn về phương pháp tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Theo VCCI, trên thực tế, hiện nay có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng TMĐT, chẳng hạn như các cửa hàng ăn uống hoặc quán cà phê…
Khi kinh doanh trên TMĐT, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (từ dữ liệu mà sàn cung cấp).
Tuy nhiên, thực tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua việc khảo sát của cơ quan thuế, chẳng hạn như số lượng khách trong một ngày của quán, số lượng nhân viên… trong khi việc kinh doanh được thực hiện tại cùng một địa điểm.
VCCI lưu ý việc này đặt ra vấn đề liệu có xuất hiện chồng lấn thuế giữa hoạt động kinh doanh tại chỗ và kinh doanh TMĐT hay không ?
Do vậy, trong Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC nên bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể, đặc biệt với việc xác định thuế khoán để tránh trường hợp thu hai lần thuế.
Thế Vinh