Nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương, bên cạnh BTA làm nền tảng, Việt Nam - Hoa Kỳ đã ký kết nhiều hiệp định chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực như Hiệp định dệt may, Hiệp định bảo hiểm đầu tư (OPIC), Hiệp định hỗ trợ tín dụng Eximbank, Hiệp định hàng không, Sáng kiến nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) Việt Nam - Hoa Kỳ. Sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ký kết Hiệp định đầu tư song phương (BIT), và nhiều khả năng Việt Nam sẽ tham gia đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó Hoa Kỳ là một thành viên. Tất cả những hoạt động đó nhằm tạo nền tảng pháp lý và diễn đàn trao đổi cho sự phát triển vững chắc của quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Doanh nghiệp cần tăng cường sức cạnh tranh
Thị trường Hoa Kỳ đã, đang và sẽ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế - thương mại của Việt Nam. Đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn và đa dạng, nhất là đối với những mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, điện tử, điện và gia công cơ khí. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất mạnh về vốn và công nghệ, đặc biệt là công nghệ nguồn và công nghệ cao.
Trong những năm tới, để tăng được kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường sức cạnh tranh, nhất là những mặt hàng công nghiệp chế biến và chế tạo có hàm lượng giá trị tăng cao. Chính phủ và các cơ quan quản lý tiếp tục tập trung đổi mới quản lý, đơn giản các thủ tục hành chính, ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Những hành động này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển sản xuất tạo ra những mặt hàng mới phi truyền thống có giá trị cao để xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Quy mô sản xuất nhỏ và dựa vào gia công thuần túy là những trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với các đối tác nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Để khắc phục trở ngại này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới, tổ chức lại sản xuất để đảm bảo và ổn định chất lượng hàng hóa, mở rộng quy mô và hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt là phải tổ chức tự cung ứng được đầu vào của sản xuất để có thể đón xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác vào Việt Nam và trở thành đối tác sản xuất trực tiếp và lâu dài cho các nhà nhập khẩu lớn của Hoa Kỳ.
Cơ hội cho cả doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam
Những kết quả của hợp tác kinh tế song phương là một trong những lý do khiến chúng ta có thể lạc quan. 15 năm trước, rõ ràng không hề có đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 451 triệu USD/năm. Từ khi triển khai Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam năm 2001 và Đàm phán thỏa thuận mở cửa hàng hóa năm 2008, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tăng gấp 3 kể từ năm 2006; và đến 2009, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 15,4 tỷ USD. Trong 15 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 17 lần. Ngay trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009 thì xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn tăng 11%, trong khi đó, con số này là tỷ lệ giảm hơn hai con số với hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. Theo tôi, năm 2010 sẽ là một năm nữa phá kỷ lục về thương mại song phương giữa hai nước. Các công ty của Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với Việt Nam.
Với những triển vọng phát triển không ngừng quan hệ của hai nước, tôi tiếp tục nhìn thấy những tăng trưởng cao hơn trong quan hệ kinh tế Hoa Kỳ và Việt Nam. Tổng thống Obama gần đây đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 thị trường gắn bó tiếp theo trong đề xuất về xuất khẩu quốc gia của mình. Có thể khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia mà Hoa Kỳ trông đợi sự tăng trưởng đáng kể nhất. Đây cũng là nơi chúng tôi trông đợi những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đương nhiên sẽ có cả cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam.
Văn phòng ngỏ cho các doanh nghiệp
Công ty chúng tôi chủ yếu hỗ trợ cho các địa phương tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, tôi nhận thấy trên thực tế, sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho lĩnh vực này hạn chế hơn rất nhiều so với thương mại, giáo dục, y tế.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp nhỏ chính là hạn chế trong việc tìm kiếm đối tác đủ điều kiện và khả năng vừa hợp tác, vừa hỗ trợ mình. Đối với doanh nghiệp nhỏ, yếu về lực đã đành nhưng ngay cả kinh nghiệm quan hệ thương mại quốc tế cũng non kém, vừa làm vừa dò dẫm học theo nhau nên nguy cơ rủi ro là rất cao. Chính vì vậy, tôi thấy rằng cách hỗ trợ tốt nhất cho những doanh nghiệp như chúng tôi chính là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao cần thành lập một văn phòng ngỏ chuyên tư vấn, hỗ trợ, chủ trì giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tôi không phủ nhận sự giúp đỡ của các đại sứ quán và tham tán thương vụ, nhưng thực tế cho thấy sự giúp đỡ này thường bị phụ thuộc vào những khuôn mẫu nên không giải quyết được những khó khăn bất thường. Nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhiều khi thiếu thông tin và "dũng khí" để dám đến những nơi đó hỏi, dù luôn "khát" thông tin.
Theo tôi, các văn phòng ngỏ với đội ngũ cán bộ đủ tư cách pháp nhân sẽ đóng vai trò tư vấn từ A-Z cho các doanh nghiệp có ý định xuất nhập khẩu với thị trường các nước, trong đó có thị trường Hoa Kỳ. Thậm chí, nhân viên tư vấn có đủ quyền hạn gọi điện trực tiếp tới các đại sứ quán để các tham tán thương mại tham vấn cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn.
Đừng bao giờ rời mắt khỏi chất lượng
Tôi muốn đưa ra một lời tư vấn có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực: hãy đảm bảo rằng các bạn đã đáp ứng hoặc đáp ứng vượt quá những yêu cầu và kỳ vọng về chất lượng, dù đó là kỳ vọng mang tính chính thống hay tập quán tiêu dùng của người Mỹ. Bài học từ Trung Quốc và một số quốc gia khác cho thấy sẽ rất dễ mất đi hình ảnh tích cực của mình khi một vấn đề nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm nảy sinh. Giá cả là quan trọng, nhưng đừng bao giờ rời mắt khỏi chất lượng. Người tiêu dùng Mỹ luôn đánh giá cao các doanh nghiệp hay lĩnh vực kinh doanh có trình độ quản lý doanh nghiệp cao và có cam kết mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhân viên của mình. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể tạo sự khác biệt hơn nữa so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Trình độ quản lý doanh nghiệp và tính minh bạch cũng tác động lớn tới môi trường kinh doanh của Việt Nam. Hoa Kỳ đã phối hợp với Việt Nam trong lĩnh vực này thông qua nhiều chương trình do Chính phủ tài trợ như Dự án 30 về cải cách hành chính, Dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác nghiên cứu… Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu của Dự án VNCI, hiện đã là thước đo để công nhận sự tiến triển trong quản lý. Kết quả kinh doanh năm nay cho thấy hầu hết các địa phương của Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với các năm trước và chính quyền các địa phương đã bắt đầu giảm bớt những trở ngại trong việc triển khai hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào địa phương nào tạo được môi trường kinh doanh tốt bằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài và đảm bảo công bằng, minh bạch, hiệu quả.
Cần có chuyên gia mở đường, chỉ lối
Điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là việc tìm kiếm và hợp tác với các chuyên gia, những người có chuyên môn để giúp xác định, đánh giá tiềm năng đầu tư với những đối tác triển vọng. Đây là việc làm cần thiết, dù phải chấp nhận một thực tế là rất tốn kém. Nhưng sẽ còn tốn kém hơn nếu cố "tấn công" một thị trường lớn, nhất là Hoa Kỳ mà không có người chỉ đường dẫn lối.
Hiện nay, sự hỗ trợ của Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA)mới dừng lại ở việc tổ chức những đoàn đi khảo sát thị trường Hoa Kỳ (có sử dụng ngân sách hỗ trợ của Nhà nước), tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để cho doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận với nhau. Những hoạt động này cũng nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ hội đối thoại trực tiếp với quan chức cấp cao của Chính phủ hai bên để nắm rõ hơn về chủ trương, chính sách kinh tế. Trong thời gian tới, HBA sẽ cố gắng có những hoạt động nghiên cứu thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp hội viên thông tin chính xác, đầy đủ về thị trường Hoa Kỳ, giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi tiến vào thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, việc này cũng còn nhiều hạn chế bởi phụ thuộc vào nguồn kinh phí, nhân lực… nên HBA tạm thời đóng vai trò là chiếc cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp của Hoa Kỳ , giữa doanh nghiệp với Chính phủ.
Sắp tới, doanh nghiệp có thể tận dụng nhiều cơ hội khi hai nước tiếp tục đàm phán ký kết nhiều hiệp định quan trọng như BIT và TPP. Thực tế cho thấy những kết quả đạt được của cơ chế hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ trong khuôn khổ TIFA đã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế thương mại bền vững giữa hai nước mà còn khẳng định vị thế, môi trường kinh doanh ngày càng phù hợp với chuẩn mực quốc tế của Việt Nam.
Đông Hà thực hiện