Vài tháng trước, luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc CTCP Thuế Kế toán Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho biết các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ có than phiền với ông là họ thuộc diện được miễn, giảm thuế nhưng không biết mức giảm cụ thể bao nhiêu.
Điều này khiến các DN nhỏ mới thành lập còn nhiều băn khoăn. Họ lường trước khả năng vẫn phải thực hiện mức thuế suất 20% thuế thu nhập DN (TNDN) như thông thường.
Giải tỏa mối băn khoăn
Theo ông Tuấn, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) dù có hiệu lực hơn cả năm trời và có Nghị định 39/2018/NĐ- CP để hướng dẫn, nhưng nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn mong muốn có điều khoản, quy định rõ ràng về ưu đãi giảm thuế TNDN đối với họ.
Mối băn khoăn của nhiều DN nhỏ có thể sẽ được giải toả trong thời gian tới, khi Bộ Tài chính mới đây có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.
Điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính có đề xuất cho DN trong nhóm DNNVV được giảm thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 15-17%. Ngoài ra, sẽ miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Việc giảm thuế được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy DNNVV phát triển và mở rộng sản xuất, nhất là khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN theo mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.
Theo lập luận của Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy để thúc đẩy sự phát triển DNNVV, chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được các nước sử dụng.
Điển hình là ở Trung Quốc áp dụng mức thuế suất 5%, 10% hoặc 20% đối với các mức thu nhập chịu thuế khác nhau của DNNVV, trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%. Thái Lan miễn thuế hoặc áp dụng mức thuế suất 15% đối với các mức thu nhập chịu thuế khác nhau của DNNVV, trong khi mức thuế suất phổ thông là 20%.
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp là DN nhỏ được áp dụng thuế suất 17%, còn DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Trong đó, tiêu chí để xác định DN siêu nhỏ là có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Còn DN nhỏ là DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Giảm thuế TNDN cho DN nhỏ là điều cần thiết |
Chính sách "nuôi dưỡng nguồn thu"
Việc thực hiện các giải pháp giảm thuế nêu trên, theo Bộ Tài chính, có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách vào những năm sau.
Quan sát động thái đề xuất giảm thuế TNDN cho DNNVV, giới chuyên gia cho rằng sẽ giúp DN nhỏ và siêu nhỏ có thể phát triển trước sự lấn lướt của DN lớn có điều kiện hơn. Đặc biệt là lâu nay, chính sách ở nhiều địa phương là nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách (tận thu), chứ không phải là "nuôi nguồn thu" từ các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Vì vậy, có địa phương luôn trải thảm đỏ đối với các DN lớn, có khả năng tăng ngân sách cho địa phương nhanh chóng, còn các DN nhỏ và siêu nhỏ không được coi trọng.
Theo đánh giá, thuế TNDN cùng với thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu chiếm đến hơn 70% tổng nguồn thu ngân sách từ thuế và phí của Việt Nam.
Mức đóng góp ngân sách của thuế TNDN đã giảm từ mức 25% xuống 22% từ năm 2014 xuống 20% từ năm 2016, thấp hơn so với mức trung bình 22% của châu Á.
Riêng với DNNVV áp dụng mức thuế 20% ngay từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, chính sách thuế còn áp dụng một số ưu đãi thuế TNDN cho các DN đầu tư vào nhà ở xã hội, công nghệ cao, khu vực khó khăn…
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định mức thuế TNDN của Việt Nam hiện nay rất lớn, hơn rất nhiều mức trung bình của thế giới cũng như châu Á. Không chỉ có mức thuế suất cao, mức phí an sinh xã hội mà DN và người lao động phải gánh chịu cũng cao hơn nhiều so với mức trung bình.
Trên thực tế, mức thuế tổng hay mức thuế hữu hiệu mà DNNVV ở Việt Nam phải chịu tương đối cao so với các nước trong khu vực. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ DNNVV, việc giảm mức thuế TNDN phù hợp với DN nhỏ và siêu nhỏ là điều vô cùng cần thiết.
Thế Vinh