Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và Triển vọng năm 2019. Hướng tới chính sách tài khoá bền vững và hỗ trợ tăng trưởng" ngày 25/3, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế tư nhân làm trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, từ đó sẽ tạo ra nguồn dư địa rộng hơn để phát triển bền vững kinh tế.
Doanh nghiệp còn "vất vả"
Theo nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận là khu vực kinh tế quan trọng của đất nước, nhưng những đóng góp cho nền kinh tế của khu vực này chủ yếu lại từ khu vực không đăng ký chính thức (các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ…).
Số liệu cho thấy, khối kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng rất lớn, gần 30% vào GDP, trong khi đó các doanh nghiệp (DN) tư nhân thuộc khu vực chính thức chỉ đóng góp khoảng 8% tổng sản lượng của nền kinh tế. Dẫu vậy, các chính sách đối với khu vực tư nhân hiện nay chủ yếu hướng đến khu vực chính thức.
Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, các khó khăn với khu vực kinh tế tư nhân nói chung vẫn còn nhiều, bủa vây ở nhiều phía.
Năm 2018, nền kinh tế ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên trong niềm vui đó vẫn còn những "mảng tối", đó là số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao, nghĩa là đông đảo DN vẫn rất khó khăn
"Điều này chứng tỏ, số DN đã hình thành và hoạt động trong một vài năm vẫn không chịu nổi sức ép mà phải rút ra khỏi thị trường. Nếu tình hình này còn tiếp diễn thì sẽ lấy đâu ra lực lượng để đóng góp vào tăng trưởng mới cho đất nước?", bà Lan băn khoăn.
Nói về câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng trên thực tế nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", bà Lan cho rằng thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân nhưng khi thực hiện thường chưa đạt hiệu quả cao.
Bà Lan cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017 khá tốt nhưng sang năm 2018 dường như có sự chững lại. Khi Thủ tướng đưa ra yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, một số bộ ngành đã thực hiện, có những vấn đề làm thật, có những vấn đề làm nhưng không có tác dụng trong thực tế.
Đáng chú ý là tình trạng đơn giản hóa thủ tục theo hình thức "gom" một vài điều kiện cũ thành một điều kiện mới; hoặc bỏ một điều kiện cũ thì lại "đẻ" ra một loạt điều kiện mới còn khó khăn hơn.
Do đó, việc tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa còn phải "chiến đấu" lâu dài, chừng nào chưa thu gọn được bộ máy hành chính thì DN tư nhân còn "vất vả".
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn |
Gỡ rào cản cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2019 với khu vực tư nhân sẽ vẫn có những khó khăn. Gs. Ts. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng tình với quan điểm của bà Lan khi cho rằng những dấu hiệu tích cực từ cải thiện môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại.
Do đó, cộng đồng DN đang rất mong muốn Chính phủ cần có những bước đi quyết liệt hơn, cải cách thủ tục thực chất hơn nhằm tháo gỡ rào cản không chỉ cho khu vực kinh tế tư nhân mà tất cả các DN trong nền kinh tế nói chung.
Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, lo ngại thách thức lớn nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, chính sách cần phải cởi mở hơn để các hộ kinh doanh cá thể chính thức đăng ký kinh doanh một cách dễ dàng, thuận lợi, từ đó sẽ tạo ra nguồn dư địa rộng hơn để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Đưa ra kiến nghị, nhóm nghiên cứu cho rằng mảng chính sách phát triển và chuyển đổi khu vực không chính thức cần được tập trung hơn nữa, như: có cơ chế khuyến khích đăng ký thành lập DN, đồng thời cần xác định hình thức DN phù hợp để hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển đổi sang, với nguyên tắc giảm thiểu các chi phí phát sinh và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, việc đổi mới, cải cách thể chế phải phát huy sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị. "Thủ tướng rất nhiều lần khẳng định và đưa ra thông điệp cũng rất rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các điều kiện kinh doanh để hướng tới một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn là một trong những mục tiêu xuyên suốt, tới đây sẽ có những bước đi quyết liệt, thực chất hơn", ông Đạt cho hay.
Thanh Hoa