Chia sẻ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Tp.HCM vào cuối tuần qua trong buổi kết nối đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị, bà Lê Mai Linh, Phó chủ tịch Điều hành – Quan hệ đối ngoại & truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam, lưu ý đầu ra là điểm hạn chế của nhiều nhà sản xuất trong nước. Các DN này quá chăm chú vào khâu sản xuất, cải tiến chất lượng nhưng đầu ra cho sản phẩm thì lại ít chú trọng.
Còn yếu kết nối
Để hàng hoá của các DN nội vào được các kênh phân phối hiện đại, bà Linh có lời khuyên là các DN hãy bắt đầu bằng khâu đầu ra cho sản phẩm trước. Điều đó đòi hỏi phải cải thiện nhiều, từ vấn đề về bao bì phải bắt mắt, thuận tiện, người tiêu dùng (NTD) muốn dừng lại mua khi thấy bày trên kệ hàng…, cho đến việc kết nối với nhà mua hàng.
Cho rằng các hệ thống siêu thị trong nước và của các tập đoàn nước ngoài được xác định là một kênh đầu ra tiêu thụ hàng hóa cho DN Việt, ông Phạm Thiết Hoà, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (IPTC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối. Theo ông Hòa, các hệ thống siêu thị nước ngoài không chỉ phân phối tại Việt Nam mà còn giúp xuất khẩu (XK) hàng Việt đi các nước qua mạng lưới của họ ở nhiều nước.
Năm 2018, IPTC cũng đã thực hiện được nhiều buổi kết nối cho DNNVV với các hệ thống siêu thị Aeon, Big C, Co.opMart, Co.opXtra, E-mart, Lotte Mart… Trước khi kết nối, đại diện các hệ thống siêu thị có cung cấp thông tin cho DN hiểu rõ những yêu cầu về chất lượng, quy cách hàng hóa của từng hệ thống siêu thị.
"Việc kết nối với các siêu thị và tập đoàn thu mua nước ngoài cần được đẩy mạnh, vì hệ thống phân phối này không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở khu vực và thế giới, nên cơ hội cho hàng Việt đi xa là rất lớn", ông Hoà nói.
Tầm quan trọng của kênh phân phối hiện đại cho đầu ra của DN nhỏ cũng được thể hiện rõ trong một cuộc khảo sát NTD năm 2019 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo đó, siêu thị là nơi được NTD ưng đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng, tiếp đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi (bao gồm tạp phẩm của hộ gia đình).
Các DN đang lo đầu ra cũng nên để tâm đến kết quả khảo sát này khi đánh giá chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… – hầu hết phục vụ nhu cầu NTD trẻ.
Đầu ra cho DN ngành hàng nông sản còn nhiều mối lo |
Không dễ "một sớm một chiều"
Về vấn đề đầu ra của DN nhỏ khi kết nối với nhà mua hàng, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia thị trường lưu ý, các DN nên tìm hiểu xem nhà mua hàng là ai, họ có thể là nhà nhập khẩu rồi phân phối lại cho nhà bán lẻ.
Hơn nữa, khi DN làm việc với nhà mua hàng cần thận trọng trong việc nói về năng lực bán hàng, đừng khoác lác là muốn mua bao nhiêu cũng đủ cung cấp, vì với kinh nghiệm của mình, các nhà mua hàng nhìn quy mô, kiểm chứng vùng nguyên liệu của DN là có thể biết được. Vì thế, DN chỉ nên nói công suất tối đa của nhà máy, vùng nguyên liệu.
Mặt hạn chế của DN Việt khi kết nối với kênh siêu thị ở nước ngoài trong thị trường các quốc gia thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Đơn cử như thuỷ sản, theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), các mặt hàng này của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada nhưng được bán qua nhà phân phối, chưa bán được trực tiếp.
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết hiện nay, các công ty lớn của Canada (Costco, Metro…) có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí, do đó nên tổ chức cho các DN thủy sản Việt Nam giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.
Với CPTPP, giới chuyên gia cho rằng không phải DN nào của Việt Nam cũng chủ động thực hiện được việc tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu, nhất là những DN vừa và nhỏ.
Chẳng hạn, đối với Canada, hệ thống luật thương mại tương đối phức tạp, hàng nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều tiết của luật liên bang và luật nội bang.
Trên thực tế, nhiều mặt hàng trong CPTPP dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng với tập quán sản xuất nhỏ của DN nhỏ thì chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường lớn như CPTPP.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, DN Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Việc này cần có thời gian và nguồn lực về tài chính, con người chứ không thể thay đổi trong "một sớm một chiều".
Thế Vinh