Tại hội thảo các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam diễn ra ngày 7/3, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết một số lĩnh vực trong kinh tế số được phát triển khá nhanh, như TMĐT đạt con số tăng trưởng ấn tượng. Trung bình giai đoạn từ năm 2013 đến nay, doanh thu TMĐT tăng 25%. Với mức tăng này, doanh thu TMĐT sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Mới phát triển ở mức trung bình
Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực TMĐT, ông Hải cũng thừa nhận những lĩnh vực khác còn hạn chế, đặc biệt là chuyển đổi số cho công nghiệp, nông nghiệp diễn ra chậm, chưa được quan tâm đúng mức. Điều này sẽ tác động không tốt tới nền kinh tế, không tận dụng được lợi ích từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Báo cáo của e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek thực hiện cũng cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam đã ở mức 9 tỷ USD vào năm 2018. Xét về quy mô, Việt Nam đang xếp thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Thái Lan. Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đuổi kịp Indonesia khi nước này đang bỏ xa về quy mô (gấp 3 lần) lẫn tốc độ tăng trưởng.
Bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng: "Chúng ta đã nghe nói TMĐT Việt Nam phát triển nhanh nhưng thẳng thắn mà nói mới dừng ở mức trung bình so với thế giới. Mức độ sử dụng công nghệ số của cá nhân tăng nhưng nhìn vào chỉ số khách quan mà WB đưa ra, chỉ số của doanh nghiệp (DN) và Chính phủ vẫn ở mức thấp".
Hiện nay, tỷ lệ thanh toán trực tuyến thấp, sử dụng giao dịch bằng tiền mặt được ưa chuộng. Bên cạnh đó, các DN công nghệ cho biết họ không tìm được lao động có kỹ năng.
Đặc biệt, liên quan tới những hạn chế của chính sách quản lý giữa cái cũ và cái mới, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Giám đốc kinh doanh CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), cho biết DN này muốn ứng dụng công nghệ 4.0 như Blockhain, Big data, AI…, nhưng vấn đề khó khăn gặp phải là rào cản pháp lý.
"Các công ty Fintech muốn tồn tại và phát triển phải liên tục áp dụng công nghệ mới, tuyển dụng nhân sự nghiên cứu công nghệ này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, như công nghệ Blockhain chưa được ứng dụng nhiều, chuyên gia chưa có nhiều "đất diễn" nên rất khó cho chúng tôi giữ những chuyên gia này làm việc tại Việt Nam, đặc biệt bên cạnh đó còn là những quy định thắt chặt của cơ quan quản lý liên quan tới việc đổi mới công nghệ", bà Tuyết chia sẻ.
Trước phản ánh của DN, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lý giải cơ quan quản lý luôn ủng hộ cách tiếp cận cân bằng giữa quản lý và thúc đẩy sáng tạo.
Cần xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển |
Cần chính sách đột phá
Ông Dũng cũng cho biết, sự nổi lên của nền kinh tế số, số hoá đối mặt thách thức là sự đổi mới sáng tạo diễn ra trong lĩnh vực thanh toán sẽ gây ra rủi ro mới, đặc biệt là rủi ro về an ninh mạng, lộ bí mật cá nhân; làn sóng Fintech với sự tham gia của tổ chức công nghệ lớn, phi ngân hàng trong hệ sinh thái thanh toán dễ gây rủi ro bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Do vậy, trong bối cảnh mới làm sao ra chính sách phải hướng tới tạo sân chơi công bằng cho nhiều đối tượng tham gia không những phục vụ kinh doanh truyền thống mà phải không bó buộc đổi mới sáng tạo.
Nhìn bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế số, ông Hải cho rằng Việt Nam không thiếu chính sách hỗ trợ kinh tế số phát triển như giao dịch điện tử, bảo mật, hạ tầng, thanh toán…, tuy nhiên sự liên thông, triển khai thực tế còn phải cải thiện rất nhiều. Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, phát triển bền vững, kinh tế số còn phải làm rất nhiều việc.
Làm sao để thúc đẩy sự phát triển và tối đa hóa lợi ích của nền kinh tế số? Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đặt vấn đề nền kinh tế số đang tạo chuyển biến trên toàn cầu.
Năm 2016, kinh tế số có giá trị 11,5 nghìn tỷ USD, tương đương 15,5% GDP của thế giới và dự kiến tăng lên 25% trong vòng chưa đến một thập kỷ tới. Ngày nay, 6 trong số 10 công ty hàng đầu thế giới là công ty công nghệ.
Theo Giám đốc Quốc gia WB, công nghệ đột phá cũng đã có ở Việt Nam và đặc biệt Việt Nam không hề đi sau. "Tôi thấy rõ sự tiến bộ của Việt Nam hơn hai năm qua, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ trước hết là kinh tế số trong lĩnh vực dịch vụ. Ví dụ, công nghệ gọi xe trực tuyến cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống; nền tảng TMĐT cạnh tranh với mạng lưới bán lẻ truyền thống; dịch vụ lưu trú cạnh tranh với khách sạn truyền thống…; hay vai trò ngày càng lớn của công ty Fintech, giải pháp thanh toán trực tuyến".
Nền kinh tế số có triển vọng mạnh mẽ giúp các DN vừa và nhỏ có khả năng tham gia mạng lưới kinh doanh toàn cầu, cho phép DN rút ngắn khoảng cách phát triển, đặc biệt là những DN ở vị trí xa thành phố lớn.
Bên cạnh đó, mỗi người dân Việt Nam bình thường đều có thể tham gia nền kinh tế số, thông qua các hoạt động kinh doanh chia sẻ như dùng nhà của mình để kiếm thêm thu nhập thông qua các nền tảng lưu trú số hoặc sử dụng xe máy và ô tô của mình trên các nền tảng gọi xe dựa trên công nghệ kỹ thuật số.
"Đâu là nhân tố tạo thuận lợi?", ông Ousmane Dione đặt câu hỏi và cho rằng đó là "chính sách, chính sách và chính sách". Bằng cách thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy kinh tế số phát triển hiệu quả.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý khuyến khích đổi mới và cạnh tranh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua điều tiết và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan Chính phủ.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank TPBank cũng như nhiều ngân hàng khác đang định hướng phát triển ngân hàng số, vì vậy cơ sở pháp lý rất cần thiết. Nhiều khi tất cả dịch vụ ngân hàng đều là những cái mới, tuy nhiên Luật, Nghị định ban hành từ lâu, thậm chí mới vài năm đã lạc hậu so với những công nghệ mới. Bà Natasha Beschorner - Chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin, WB Chính phủ có vai trò chính trong việc gỡ bỏ các rào cản về kết nối, kỹ năng, thanh toán và logistics – như một trong những nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế số. Môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế số tại Việt Nam và lợi ích mang lại cho người dân, DN. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Chính phủ, DN và người dân sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Những vấn đề đó có thể bao gồm: khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng… Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. |