Việc giá dầu thô thế giới đảo chiều giảm trong những ngày qua có thể giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt vào kỳ điều chỉnh ngày 21/3 tới. Tuy vậy, tất cả mới chỉ là dự báo, vì từ nay tới kỳ điều chỉnh giá còn gần một tuần nữa, chưa kể giá dầu thô vẫn phụ thuộc vào diễn biến xung đột Nga - Ukraine trong thời gian tới.
Lên kịch bản cung ứng không có Lọc dầu Nghi Sơn
Hơn nữa, theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, nguồn cung khan hiếm, cộng thêm phụ phí khá cao... đang gây khó cho doanh nghiệp khi nhập khẩu xăng dầu.
Lọc dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4, tháng 5 tới. |
Trong vài tháng tới, có lẽ nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, ở điều kiện bình thường, 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Lọc dầu Nghi Sơn cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng dầu trong nước (trong đó Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%).
Tuy nhiên, đến nay do vấn đề tài chính của Nghi Sơn chưa được giải quyết, vì vậy Bộ Công Thương cho biết nhà máy này chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì của nhà máy.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ nhà máy lọc dầu này.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính ngồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đánh giá trên thị trường thế giới, từ đầu năm đến nay, tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều bất ổn, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine là hai nước cung cấp dầu, khí đốt lớn của thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước tiếp cận nguồn cung từ nguồn nhập khẩu cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cho Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước trong thời gian tới.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trực tiếp giải đáp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu.
Chia sẻ với VnBusiness về những bất cập trên thị trường xăng dầu, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khóa XV, nhìn nhận những biện pháp hạ nhiệt giá xăng dầu như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT sẽ góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu ngay lập tức, vì đây là những chi phí cấu thành nên giá xăng dầu.
Theo đó, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong những tháng tới phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu, ông Cường kiến nghị cần giảm thêm thuế nhập khẩu để khuyến khích tăng nhập thêm xăng dầu, bởi nếu dùng biện pháp hành chính để giảm giá xăng dầu nhưng cung ít, cầu nhiều thì giá vẫn cứ phải tăng.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, còn căn cơ nhất phải là tăng nguồn cung xăng dầu trong nước.
"Giảm thuế chẳng qua là giải pháp giúp cắt giảm chi phí nhằm hạ giá thành nhưng quan trọng nhất phải là tăng nguồn cung", ông Cường nói.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, cần phải thực hiện ngay việc tăng cường khai thác và lọc hóa dầu trong nước. Điều này sẽ tăng lợi ích hơn rất nhiều so với thời kỳ giá dầu thấp: "Việt Nam là nước khai thác dầu, tại sao không tăng cường khai thác vào thời điểm giá dầu cao? Tại sao lúc này, các nhà máy lọc dầu không đẩy mạnh tối đa công suất, vừa giúp cho đất nước chủ động nguồn cung, không phụ thuộc thế giới, vừa giúp bình ổn thị trường xăng dầu?". Đồng thời khẳng định như vậy cũng có lợi cho cả doanh nghiệp, bởi thời điểm này giá cao, lợi nhuận sẽ cao.
"Trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải tăng cường khai thác dầu thô, trước đây giá dầu 50 USD/thùng, giờ trên 100 USD/thùng, khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thì giá trị thu về sẽ gấp đôi. Tại sao mình không làm?", ông Cường đặt vấn đề.
Quay trở lại câu chuyện mà Lọc dầu Nghi Sơn đang gặp phải, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng cần phải "gói" mâu thuẫn lại để đưa sản xuất trở lại bình thường, chứ không phải tranh chấp, vướng mắc là lại cắt giảm công suất, điều này gây thiệt đơn thiệt kép cho các nhà liên doanh, thiệt hại cả cho quốc gia khi ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.
Trong cuộc làm việc mới đây với PVN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Tập đoàn cần đẩy nhanh đầu tư dự án lọc hóa dầu, đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu trong nước, tránh chuyện vừa xuất lại vừa nhập dầu thô.
"Dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì phải sửa ngay. Không thể để trong cùng Tập đoàn PVN mà đơn vị này khai thác, xuất khẩu dầu thô, đơn vị khác lại đi nhập khẩu dầu thô để chế biến", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Rõ ràng câu chuyện trên vẫn đang là vấn đề khá nhức nhối, việc có 2 nhà máy lọc dầu để đảm bảo an ninh năng lượng nhưng lúc cần nhất, ở thời điểm biến động thị trường nhất thì Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lại giảm công suất.
Dự báo, giá xăng dầu trong nước có thể giảm trong kỳ điều hành tới (21/3) nếu giá dầu thô thế giới duy trì đà giảm. Tuy nhiên, giá hàng hóa khác đã tăng trên thực tế, đồng nghĩa người dân đang phải chi nhiều tiền hơn khi mua những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như dầu ăn, nước mắm... Trong khi đó, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu còn bỏ ngỏ, trông chờ vào ngày trở lại của Lọc dầu Nghi Sơn.
Lê Thúy