Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, chỉ xếp sau quả thanh long (giá trị xuất khẩu đạt 552,3 triệu USD, chiếm 32,5%).
Giá tăng gấp 3, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh. Tính từ 17/9 - ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu sang thị trường Trung Quốc. “Sầu riêng giá tăng gấp 3 khi có nghị định thư”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Trái sầu riêng bán được giá nhưng không có nghĩa người nông dân cứ trồng là sẽ thắng lớn. |
Cũng vì nhìn thấy lợi ích trước mắt này, nhiều bà con nông dân đã ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng. Theo ông Tô Văn Huấn, đại diện Cục Trồng trọt, giá sầu riêng đang ở mức cao đã khiến một số nông dân ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long ồ ạt mở rộng diện tích dù có những vùng đất không phù hợp để phát triển loại cây trồng này. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng của giá sầu riêng trong vài năm tới.
Còn theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, sầu riêng là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh diện tích sầu riêng tăng khá nhanh với khoảng 4.528ha, tăng khoảng 30% so với 2020. Đánh giá chung, diện tích, sản lượng sầu riêng hiện nay đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông chỉ định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Vì vậy, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ. Người dân tự tăng diện tích sầu riêng và hầu như thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ nên dễ dẫn đến cung vượt cầu.
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích sầu riêng vào thời điểm này. Ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ các địa phương, nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.
Không chỉ ở Đắk Nông, báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy nhiều địa phương đang phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng...
Hàng đủ tiêu chuẩn xuất Trung Quốc còn thấp
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, diện tích sầu riêng trên cả nước đã tăng gấp hơn 5 lần. Cụ thể, năm 2010 chỉ có 17.600ha, nhưng đến năm 2022 con số này đã tăng lên 90.000ha với sản lượng hằng năm khoảng 1,3 triệu tấn quả.
Điều đáng nói, Bộ NN&PTNT thông tin diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu Sở NN&PTNT các địa phương cần rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Trên thực tế, những cảnh báo trên không thừa bởi nhiều câu chuyện đau xót về việc ồ ạt trồng sau đó lại ồ ạt chặt đã xảy ra ở nhiều ngành hàng trong thời gian qua. Còn nhớ, ở thời hoàng kim của cà phê (1994-2002), hầu hết các nông hộ trên địa bàn Đắk Lắk đua nhau trồng loại cây đặc sản này, bất kể đất đai, khí hậu và nhất là nguồn nước ở đó có đảm bảo hay không.
Kết quả là đã phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp địa phương, thay vì chỉ dừng lại từ 150.000 – 180.000 ha (đáp ứng đủ các yếu tố sinh thái), diện tích cà phê ở Đắk Lắk vào thời điểm trên đã vọt lên con số hơn 280.000ha. Hệ luỵ kéo theo là cung vượt cầu, cộng thêm nhiều tác động bất lợi của thị trường cà phê lúc bấy giờ khiến giá cà phê sụt giảm thê thảm, có lúc rớt xuống đáy 4 triệu đồng/tấn nhân xô trong những năm 2008 – 2013.
Hay với ngành hàng hồ tiêu, Tổng cục Thống kê cho hay, từ năm 2010 - 2016, do giá hồ tiêu liên tục tăng cao, người dân tập trung mở rộng diện tích trồng ồ ạt khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước tăng nhanh, một số địa phương phát triển “nóng” dẫn đến vượt quy hoạch. Năm 2015, diện tích hồ tiêu đạt 101,6 nghìn ha, gần gấp đôi năm 2010. Diện tích hồ tiêu tăng mạnh vào các năm 2017, 2018, cao nhất đạt trên 150.000 ha năm 2017.
Điều đáng nói là giai đoạn 2019 - 2020, giá tiêu đột ngột giảm mạnh xuống mức đáy chỉ còn 36.000 - 39.000 đồng/kg. So với mức đỉnh cao 230.000 đồng/kg của năm 2015, giá tiêu đã "bốc hơi" mất gần 4/5. Dẫn tới, năm 2020, diện tích hồ tiêu giảm chỉ còn 131,8 nghìn ha. Với mức giá này, những hộ trồng hồ tiêu gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.
Dẫn ra những bài học trên để thấy rằng, nếu không kiểm soát chặt từ khâu trồng trọt gắn với chất lượng, chế biến sâu thông qua liên kết sản xuất quy mô lớn giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thì trái sầu riêng trong thời gian tới có nguy cơ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn “được mùa mất giá”, khi đó nông dân vẫn là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và ngành nông nghiệp khó thoát lời nguyền "giải cứu".
Nhật Linh